Theo Bộ Tài chính, năm 2018 sẽ có nhiều thương hiệu lớn thực hiện bán vốn nhà nước. Hiện đã chốt danh sách bán vốn nhà nước tại 3 DN thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Power, PVOil) có tổng vốn gần 100.000 tỉ đồng. Dự kiến, trong danh sách sẽ có một số DN lớn khác như Tập đoàn Cao su Việt Nam vốn điều lệ khoảng 50.000 tỉ đồng… Rút kinh nghiệm năm 2017, việc bán vốn sẽ thực hiện rải đều trong năm, không dồn vào những tháng cuối năm để thuận lợi hơn.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc 110.000 tỉ đồng thu từ bán vốn Sabeco được dùng để làm gì, ông Tiến giải thích số tiền này sẽ được nhập vào quỹ do Kho bạc Nhà nước quản lý nhằm tạo nguồn cho chi đầu tư phát triển. Việc thoái vốn vừa qua ở Sabeco, Vinamilk và các DN khác trước đó đều để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội, danh mục đầu tư cho các dự án trung hạn đều đã có địa chỉ, do Quốc hội quyết. Việc chi tiêu quỹ được hạch toán rõ ràng và hằng năm được kiểm toán. Quỹ có mục tiêu không chỉ tạo nguồn cân đối ngân sách đầu tư mà còn chi giải quyết vấn đề lao động dôi dư trong CPH. "Thời gian qua, ngân sách nhà nước khó khăn nên đã CPH, thoái vốn ở một số DN nhà nước để có vốn đầu tư. Số tiền thu từ nguồn này không dùng để trả nợ" - ông Tiến khẳng định.
Liên quan đến quan ngại của dư luận về khả năng nhà đầu tư nước ngoài có thể đã cố tình lách luật để gián tiếp sở hữu trên 50% vốn tại Sabeco, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng Chính phủ đã họp với các cơ quan pháp luật để trao đổi về vấn đề này. Đặc biệt là tổ giám sát gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều khẳng định tư cách của nhà đầu tư nước ngoài cũng như loại hình DN do nhà đầu tư thành lập ở Việt Nam là phù hợp với pháp luật Việt Nam. DN có nghĩa vụ phải hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Còn nếu sau này có vi phạm, xâm phạm người tiêu dùng Việt Nam thì cơ quan chức năng có quyền xử lý.
Cũng theo ông Tiến, cần thiết phải sửa đổi một số luật hiện hành để tránh việc DN phải lách luật trong những tình huống tương tự.
Bình luận (0)