xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tháo "nút thắt" nền kinh tế: Loay hoay tự cứu

TÔ HÀ

Thị trường bất động sản có tính liên thông rất cao, quản lý tốt sẽ tạo ra động lực để phát triển song chính bất động sản cũng là ngòi nổ cho các cuộc khủng hoảng kinh tế

img
Một dự án căn hộ tại TPHCM. Theo số liệu của một công ty tư vấn nước ngoài,
tại TPHCM và Hà Nội đang tồn kho khoảng 70.000 căn hộ. Ảnh: TẤN THẠNH
Trong nỗ lực tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đã chấp nhận giảm giá hàng hóa để kích thích sức mua, giải phóng hàng tồn kho. Tuy nhiên, diễn biến này lại đang châm ngòi cho cuộc tranh cãi về một vấn đề chưa từng có trong thị trường nhà đất là khả năng bán phá giá, vi phạm luật cạnh tranh.

Giải pháp sốc

Mở đầu cho xu hướng giảm giá sốc là việc ông Đoàn Nguyên Đức tuyên bố chính thức chào bán căn hộ Hoàng Anh Thanh Bình (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 - TPHCM) với giá chưa đến 20 triệu đồng/m2, thấp hơn 30% giá trong khu vực. Trào lưu giảm giá tại Hà Nội cũng diễn ra ngay sau đó khi nhà đầu tư chào bán căn hộ tại chung cư Đại Thanh (Quốc lộ 70, huyện Thanh Trì) chỉ còn 10 triệu đồng/m2, giảm 4 triệu đồng so với giá bán trong tháng 7...

Ngay lập tức, một số đại gia BĐS khác lên tiếng quy kết đây là hiện tượng bán phá giá, gây nhiễu loạn thị trường. Với kinh nghiệm 40 năm trong nghề, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP Invest), khẳng định không thể có chuyện làm dự án với giá bán ra chỉ từ 8 - 10 triệu đồng/m2, nếu có thì do ăn bớt nguyên vật liệu. Đại diện Tổng Công ty Vinaconex còn đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ để không gây ảnh hưởng đến thị trường... Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà vẫn có tâm lý tiếp tục chờ đợi các đợt giảm giá khác.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc giảm giá căn hộ là phù hợp với quy luật thị trường. Theo GS Đặng Hùng Võ, giá nhà ở thương mại 10 triệu đồng/m2 là hoàn toàn có thể làm được nếu có các điều kiện chủ đầu tư mua được đất rẻ, huy động vốn không lãi suất của người mua nhà, chọn vật liệu xây dựng, công nghệ không quá đắt tiền và tiết giảm nhiều chi phí khác trong phạm vi có thể. Giá BĐS hiện vẫn còn quá cao nay giảm xuống cũng là hợp lý.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng phản ứng nói trên của các đại gia BĐS và cơ quan quản lý là bất thường. “Việc tăng, giảm giá hàng hóa là do thị trường và cả yếu tố vĩ mô tác động. Giá BĐS quá cao khiến hàng tồn kho không bán được, nay giảm giá để tiêu thụ là hết sức bình thường, nếu không giảm giá thì ôm nhau chết chìm”- TS Vũ Đình Ánh bình luận.

Cần cả chính sách vĩ mô

Theo các chuyên gia kinh tế, DN BĐS có thể tự mở ra lối thoát cho mình là giảm giá, đưa sản phẩm về giá trị thực. Việc đưa giá BĐS trở về với giá trị thực cũng đang nhận được sự ủng hộ từ cơ quan quản lý Nhà nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ nhận định BĐS là thị trường đang có lượng hàng tồn kho đáng lưu tâm nhất, nên cần phải có giải pháp tháo gỡ. Quan điểm của Chính phủ là trong số các DN BĐS đang lỗ hiện nay, trước đây đã lãi rất lớn từ cơ chế được giao đất kinh doanh, lúc này phải cùng chia sẻ để đưa nhà đất về giá trị thực.

 Trước những diễn biến trên, chuyên gia kinh tế - thạc sĩ Đinh Tuấn Minh cho rằng BĐS là thị trường tài sản lớn nhất nên không phải cứ giảm giá thấp là có sức mua lớn và cũng không thể để giá BĐS sụt giảm quá mạnh. BĐS là tài sản gắn với hoạt động thế chấp, đặt cọc trong quan hệ mua bán, vay mượn giữa các tổ chức kinh tế với nhau và với ngân hàng. Khi BĐS giảm giá mạnh, giá trị tài sản thế chấp cũng giảm theo, kéo theo sự sụt giảm của dòng tín dụng, ngân hàng không thể cho vay tiếp hoặc phải có tài sản thế chấp khác để tiếp tục duy trì mức tín dụng hiện tại. Tác động của nó là nền kinh tế có nguy cơ đình trệ.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng bài học từ phát triển thị trường BĐS là tính liên thông rất cao, quản lý tốt sẽ tạo ra động lực tốt để phát triển kinh tế song chính BĐS cũng là ngòi nổ cho các cuộc khủng hoảng. Do đó, các quốc gia đều rất lo ngại giá trị BĐS giảm mạnh, nó có thể tạo ra cơn bão tàn phá ngân hàng, dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Theo thạc sĩ Đinh Tuấn Minh, thế giới có 2 giải pháp tháo gỡ cho thị trường là tăng cầu thông qua việc chính phủ bỏ tiền mua các tài sản BĐS thế chấp và mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Tại Việt Nam, cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vẫn còn hạn chế, còn việc Chính phủ bỏ tiền mua tài sản thế chấp cũng dễ biến thành cuộc giải cứu các đại gia giỏi vận động hành lang thay vì cứu cả nền kinh tế do có các hiện tượng sở hữu chéo, sân sau.

Tọa đàm “Giải vây cho thị trường nhà đất”

Tồn kho bất động sản, nợ xấu ngân hàng tăng cao đang là 2 “nút thắt” lớn của nền kinh tế hiện nay. Cả 1 triệu tỉ đồng tồn kho bất động sản không chỉ là nguồn lực chết của các doanh nghiệp, các ngân hàng mà còn là nguồn lực của dân, nguồn kiều hối và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là việc cấp thiết để nhanh chóng cứu doanh nghiệp bất động sản, cứu ngành vật liệu xây dựng, giải quyết được nợ xấu ngân hàng và ngăn chặn ảnh hưởng xấu tới kinh tế vĩ mô…

Từ thực tiễn đó, hôm nay, 1-11, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Giải vây cho thị trường nhà đất” với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng và chuyên gia kinh tế. Mời bạn đọc đón xem thông tin đăng trên Người Lao Động Online và Báo Người Lao Động số ra ngày 2-11.
Báo Người Lao Động
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo