Giá vàng trong nước ngày 19-9 tăng mạnh và giao dịch sôi động do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới. Sau khi tăng hơn 630.000 đồng/lượng vào đầu giờ sáng, lên 37,8 triệu đồng/lượng mua vào và 38,1 triệu đồng/lượng bán ra, giá vàng SJC đi ngang và ít biến động trong phần lớn thời gian giao dịch.
Tăng mạnh nhất trong 15 tháng
Ở TP Hà Nội, gần cuối buổi chiều, giá vàng SJC mua vào ở Công ty Vàng Phú Quý là 37,9 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 38,1 triệu đồng/lượng. Một số tỉnh như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, giá bán lên tới 38,15 triệu đồng/lượng.
Khách hàng mua vàng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chiều 19-9 Ảnh: HỒNG THÚY
Việc giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng không theo kịp đà tăng của giá thế giới khiến mức chênh lệch với thế giới thu hẹp còn khoảng 3,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn đến 1 triệu đồng so với ngày 18-9 và những ngày trước.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu phiên thứ 60 với 19.700 lượng/20.000 lượng vàng bán được, đưa tổng số vàng đấu thầu sau 60 phiên lên 60,64 tấn. Giá trúng thầu đạt từ 37,9-38,01 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 200.000 đồng so với giá mua trên thị trường nhưng vẫn thấp hơn giá bán khoảng 90.000 đồng, nhờ đó các doanh nghiệp trúng thầu kiếm lời từ mức chênh lệch này.
Sẽ còn tăng?
Ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), cho biết do giá vàng đột ngột tăng mạnh vào buổi sáng nên người dân và nhà đầu tư đã bán ra mạnh vào đầu ngày. Đến trưa, do nhận định xu hướng sẽ còn tiếp tục lên nên sức mua tăng trở lại. Tính đến cuối ngày 19-9, SJC bán ra khoảng 3.000 lượng vàng miếng, gấp đôi so với ngày thường.
Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) cho biết ở thị trường Hà Nội, giao dịch sôi động hẳn lên, lượng khách giao dịch tại các chi nhánh của công ty đều tăng mạnh so với những ngày trước đó. Lượng khách mua vào chiếm đa số vì họ cho rằng giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng nữa. Đặc biệt, số lượng giao dịch vàng nhẫn tăng cao nên mặt hàng này tăng đến 900.000 đồng/lượng bán ra, lên mức 36,2 triệu đồng/lượng, còn mua vào ở mức 35,8 triệu đồng/lượng...
Mắc kẹt cho vay vàng Theo Ngân hàng (NH) Nhà nước, đến thời điểm này, 18 NH thương mại đã hoàn thành tất toán huy động vốn bằng vàng, có đủ số vàng để trả lại cho khách hàng đến hạn rút vàng. Tuy nhiên, do trước đây nhiều NH đã mạnh tay cho vay vàng và đến nay chỉ mới giảm được 70% dư nợ cho vay nên nhiều NH đang rơi vào thế kẹt khi thu hồi nợ số vàng cho vay còn lại. Nhiều năm trước, các NH thương mại được phép huy động vốn bằng vàng rồi sử dụng nguồn vốn vàng cho vay hoặc chuyển đổi thành tiền để kinh doanh. Đến tháng 5-2011, NH Nhà nước cấm NH thương mại huy động và cho vay bằng vàng, sau đó là buộc các NH phải tất toán trạng thái huy động, cho vay bằng vàng, hạn chót vào ngày 30-6-2013. Từ ngày 28-3 đến nay, các NH thương mại đã mua hơn 30 tấn vàng trong số hơn 60 tấn vàng mà NH Nhà nước đã bán thông qua 60 phiên đấu thầu để tất toán trạng thái. Kết quả, đến thời điểm này, các NH đã tất toán huy động vốn bằng vàng, còn việc tất toán cho vay bằng vàng hiện vẫn chưa xong. Phó giám đốc một công ty kinh doanh vàng tại TP HCM cho biết về nguyên tắc, người vay vàng của NH phải trả nợ bằng vàng. Tuy nhiên, do giá vàng trong nhiều năm qua biến động mạnh nên nhiều người mất khả năng trả nợ, chấp nhận cho NH xử lý tài sản thế chấp (thường là bất động sản). NH cũng không thể một sớm một chiều giải quyết xong số tài sản này, từ đó dư nợ cho vay bằng vàng tồn đọng kéo dài. Mặt khác, nhiều trường hợp thời hạn cho vay lên đến 5-10 năm nên chưa đến hạn trả nợ khiến NH cũng mắc kẹt. Theo lãnh đạo một NH có thế mạnh kinh doanh vàng, một trong những giải pháp thu hồi vốn là các NH thuyết phục người vay hoán đổi vàng sang VNĐ. Thế nhưng, do giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới 3-5 triệu đồng/lượng nên nhiều khách hàng không muốn chuyển đổi. Mặt khác, khi chuyển đổi sang VNĐ, một số NH áp dụng lãi suất cho vay không hợp lý cũng gây khó cho khách hàng. Xung quanh vấn đề này, Phó Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng NH Nhà nước không can thiệp vào quan hệ tín dụng bằng vàng giữa người vay với NH mà chỉ khuyến khích các NH đưa ra chính sách hợp lý để khách hàng có thể chuyển đổi số vàng đã vay thành VNĐ, từ đó có thể sớm tất toán cho vay bằng vàng. Tuy vậy, theo lãnh đạo các NH, việc chuyển đổi vốn vay bằng vàng sang VNĐ trên thực tế rất khó khăn. Không phải NH nào cũng chấp nhận chuyển đổi theo giá vàng thế giới hoặc cao hơn giá thế giới 2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, hợp đồng vay vốn bằng vàng đã thể hiện lãi suất 3%-4%/năm, nay chuyển sang VNĐ, khách hàng phải chịu lãi suất ít nhất 10%/năm. Người vay không đồng ý thì NH cũng bó tay.
Thy Thơ |
Bình luận (0)