Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường với túi nylon có thể tăng cao nhất trong khung mức thuế được dự thảo đưa ra, cụ thể là 40.000-80.000 đồng/kg, thay vì mức cũ từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/kg.
Dự thảo cũng nêu rõ túi nylon thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen. Tên kỹ thuật của loại này là túi nhựa xốp, có hình dạng túi (có miệng, có đáy, có thành và có thể đựng sản phẩm).
Dự thảo cũng công bố khung giá đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol có thể ở mức 3.000-8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000-6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500-4.000 đồng/lít. Xăng E5, E10 có thể có khung mức thuế từ 2.700 đến 7.200 đồng/lít và 2.500-6.800 đồng/lít…
Hiện nay, Luật Thuế Bảo vệ môi trường quy định biểu khung mức thuế đối với xăng từ 1.000 đồng đến 4.000 đồng/lít, mức đang áp dụng là 3.000 đồng/lít. Khung thuế với nhiên liệu bay từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng/lít, mức đang áp dụng là 3.000 đồng/lít.
Trước đó, Bộ Tài chính đưa ra báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, nội dung tương tự về việc mở rộng khung thuế đối với các mặt hàng xăng dầu cũng được đưa ra.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh khung giá thuế bảo vệ môi trường với xăng là cần thiết để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Vì trong trường hợp cần thiết, việc tăng mức thuế đối với mặt hàng này là không dễ.
Đối với sản phẩm túi nylon, việc đánh thuế cao được lý giải là để thay đổi hành vi của người sử dụng, hạn chế việc phát miễn phí sản phẩm này. Đồng thời, có thể giúp giảm dần thói quen sử dụng túi nylon của người tiêu dùng và thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bình luận (0)