Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 quy định hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu hay còn gọi là nộp thuế khoán, hủy bỏ thuế GTGT một số mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Minh bạch số tiền nộp thuế
Theo Tổng cục Thuế, thay vì phải kê khai nộp thuế theo quy trình khá phức tạp như hiện nay, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chỉ nộp thuế khoán 0,5%-5% trên doanh thu. Mọi thông tin về doanh thu, số tiền nộp thuế của hộ kinh doanh sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan thuế, UBND phường, xã. Với hình thức này, việc kê khai nộp thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đơn giản hơn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân giám sát việc thực hiện của cơ quan thuế.
Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết hiện TP có khoảng 270.000 hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh này sẽ xác định được số tiền nộp thuế khi cơ quan thuế ấn định doanh thu của một năm để thu thuế theo tỉ lệ nhất định.
Ví dụ, hộ cá thể phân phối hàng hóa sẽ nộp thuế 0,5%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu 2%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 1,5%; hoạt động kinh doanh khác 1%. Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp là 5%.
Trước thông tin trên, ông Khưu Lạc, chủ hộ kinh doanh phụ liệu dệt may ở TP HCM, cho rằng áp dụng hình thức thuế khoán, hộ phân phối hàng hóa sẽ giảm được 0,5% số tiền nộp thuế bởi hiện tại số tiền thuế ông phải nộp chiếm khoảng 1%/doanh thu/năm. Tuy nhiên, điều mà ông Lạc và nhiều người khác băn khoăn là khi đã áp dụng thuế khoán thì hộ kinh doanh có được xuất hóa đơn bán hàng cho bên mua?
Bà Trần Thị Lệ Nga cho rằng khi đã áp dụng thuế khoán thì hộ cá thể không xuất hóa đơn bán hàng. Tuy nhiên, do nhiều hộ cá thể cần xuất hóa đơn theo yêu cầu của bên mua hàng nên cơ quan thuế sẽ kiến nghị Bộ Tài chính ban hành lộ trình hoặc phương thức quản lý hộ cá thể sử dụng hóa đơn sao cho phù hợp thực tế.
Giảm chi phí nông nghiệp
Để phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp, Luật số 71 cũng quy định thuế thu nhập doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản là 15%. Các mặt hàng phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm, vật nuôi; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ nông nghiệp không chịu thuế GTGT (hiện nay thuế suất GTGT các nhóm mặt hàng này là 5%) từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến khâu sản xuất, bán ra.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, cho rằng ngành phân bón và thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT sẽ gián tiếp thúc đẩy nông nghiệp phát triển, lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao hơn. Còn mức thuế suất 15% thuế thu nhập doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp... là một giải pháp thu hút nhà đầu tư dồn vốn vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, kỳ vọng việc bãi bỏ 5% thuế GTGT sẽ làm mặt hàng phân bón, thức ăn gia súc... có cơ hội giảm giá tương ứng, có lợi cho người chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.
Ấn định thuế bất động sản, chứng khoán
Một đột phá khác của chính sách thuế là đơn giản hóa thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân, áp dụng một mức thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần, thay cho thực hiện 2 phương pháp tính thuế trước đây; không quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
Tương tự, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của cá nhân, áp dụng một mức thuế suất là 2% trên giá chuyển nhượng từng lần. Như thế, người chuyển nhượng chứng khoán, bất động sản sẽ tiên lượng được số tiền thuế phải nộp, tránh được tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ thuế.
Bình luận (0)