Theo VASEP, nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu hiện chiếm từ 15%-20% để doanh nghiệp (DN) bảo đảm giữ chân khách hàng và người lao động, tránh tình trạng sản xuất theo mùa vụ. Đối với hải sản khai thác (cá ngừ, cua ghẹ, cá biển, nhuyễn thể…), sau khi bị Liên minh châu Âu (EU) rút thẻ vàng, các lô hải sản đều phải có chứng nhận khai thác (C/C) dù là đánh bắt trong nước hay nhập khẩu. Điều này khiến cho DN khó mua nguyên liệu đáp ứng theo yêu cầu của EU do một số nước không cấp chứng thư cho lô hàng không xuất khẩu trực tiếp đi EU.
Khách tham quan các mặt hàng hải sản của Việt Nam tại Hội chợ triển lãm thủy sản quốc tế - Vietfish 2017 diễn ra hồi tháng 8-2017 Ảnh: NGỌC ÁNH
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, việc EU rút "thẻ vàng" là một cơ hội để ngành hải sản nhìn lại mình. Ngành hải sản khai thác cần quan tâm đến quản lý theo chuỗi từ nguyên liệu đến người tiêu dùng một cách bài bản, khoa học, bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu hải sản Việt Nam. Mục tiêu trước mắt là đến tháng 4-2018, Việt Nam vẫn giữ được thẻ vàng, tránh bị thẻ đỏ, từ đó làm tiền đề lấy lại thẻ xanh cũng như Việt Nam và EU thông qua được Hiệp định Thương mại tự do mà các DN rất mong chờ.
Cùng ngày, hội nghị và triển lãm quốc tế thiết bị và công nghệ nông - lâm - ngư nghiệp 2017 (Growtech 2017) do Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chủ trì đã khai mạc tại Hà Nội. Growtech 2017 giới thiệu công nghệ và sản phẩm ở các lĩnh vực chăn nuôi, chế biến và nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc cải tạo chất lượng đất, nước… Điển hình như các sản phẩm về công nghệ trồng trọt đến từ Vương quốc Anh; công nghệ nhà kính, hệ thống tưới tiêu đến từ Israel; công nghệ, hệ thống chăn nuôi đến từ Czech; công nghệ xử lý nước và đất nuôi trồng đến từ Indonesia; công nghệ bảo quản sau thu hoạch đến từ Đài Loan…
Bình luận (0)