Lô hàng gồm 3 container thủy sản chủ lực của Việt Nam, gồm: tôm (20 tấn) xuất khẩu đi Canada, cá tra phi-lê (22 tấn) xuất khẩu đi Anh và hải sản (cá biển, trọng lượng 20 tấn) xuất khẩu đi Mỹ. Đây là các thị trường xuất khẩu truyền thống của thủy sản Việt Nam.
Bấm nút xuất khẩu lô hàng thủy sản đầu tiên
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, cho biết ngành thủy sản đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2020. Riêng năm 2018, mục tiêu của ngành thủy sản là xuất khẩu 8,5 tỉ USD và tập trung xây dựng chuỗi giá trị bền vững, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá cao nỗ lực của nông dân, ngư dân và doanh nghiệp khi vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết và rào cản thị trường của năm 2017, đem về trên 8,3 tỉ USD.
Trao đổi với báo chí bên lề buổi lễ, Bộ trưởng đánh giá năm 2018, ngành thủy sản đối mặt với rất nhiều thách thức, cả lĩnh vực nuôi trồng lẫn khu vực khai thác. Đối với hải sản đánh bắt, trở ngại lớn nhất là châu Âu đã ra thẻ vàng đối với Việt Nam vì vi phạm các quy định về đánh bắt không khai báo, không theo quy định và không được quản lý (IUU). Do đó, việc phải làm hiện nay là tổ chức lại ngành từ ngư nghiệp toàn dân sang một nền ngư nghiệp khai thác, chế biến xuất khẩu bền vững, dù đây là việc rất khó khăn. Vừa qua, Luật Thủy sản ban hành sẽ giúp công tác xử lý vi phạm liên quan đến IUU quyết liệt hơn.
Đối với thủy sản nuôi trồng, bà con nông dân đang thực hiện rất tốt. Ngành nông nghiệp đang quyết liệt trong việc khống chế dư lượng kháng sinh, tạp chất trong nguyên liệu.
Bình luận (0)