Nhà tuyển dụng cần gì ở lao động đại học? . Dưới mắt doanh nghiệp, bạn không được tuyển dụng, lý do: - 38% thiếu kinh nghiệm, bí quyết chuyên môn. - 18% thiếu hiểu biết về khía cạnh kinh tế và điều kiện sản xuất kinh doanh. - 17% kiến thức ngoại ngữ và tin học chưa đáp ứng yêu cầu. - 5% kiến thức phổ thông hạn chế. - 8% kiến thức kỹ thuật hạn chế. - 14% ít động lực làm việc, năng suất lao động thấp, không có tinh thần trách nhiệm. . Tiêu chí tuyển chọn nhân viên mới của nhà tuyển dụng: - 40% trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm kinh nghiệm. - 10% trình độ văn hóa và kiến thức cơ bản. - 10% có kỷ luật, đạo đức. - 20% trình độ ngoại ngữ và tin học. - Còn lại là các yếu tố khác. Nguồn: Sở LĐ-TB-XH TPHCM |
Mất hơn một năm chờ và đợi, hồ sơ xin việc gởi đến nhiều công ty dầu khí khác nhưng vẫn không có nơi nào tuyển H. vào làm việc. Trở lên TPHCM, H. cũng không tìm được công việc nào đúng chuyên môn. Kết cục, H. chấp nhận đổi 5 năm học đại học và gần 2 năm lang thang tìm việc bằng một công việc tạm thời: bán hàng mỹ nghệ lưu niệm. Một trường hợp khác là N.V.T, quê ở Bình Thuận. Năm 1998, T. đi làm phục vụ bàn cho một nhà hàng karaoke ở đường Hồ Tùng Mậu, quận 1 - TPHCM. Đến năm 2000, T. chuyển sang công việc đi bỏ mối cà phê cho các hàng quán. Cuối năm 2002, lại thấy T. mặc đồng phục làm trình dược viên cho một công ty dược phẩm. Những công việc trên không... ăn nhập gì tấm bằng tốt nghiệp đại học ngành sử vào năm 1997. “Khi chọn học ngành này tôi nghĩ sau mình sẽ làm công việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử... Còn bây giờ thì chấp nhận làm mọi việc trái chuyên môn để... chống thất nghiệp” – T. tâm sự.
Đó không phải là những trường hợp hiếm thấy. Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng sinh viên (SV) còn quá mơ hồ trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai.
Chỉ 30% có việc làm phù hợp
Theo thống kê riêng của chương trình việc làm Báo NLĐ, bình quân cứ 100 lao động đại học đến đăng ký tìm việc thì có khoảng 80% trong số này không tìm được việc làm trong 3 tháng đầu sau khi ra trường; 50% thất nghiệp trong thời gian 6 tháng và sau 1 năm giảm xuống còn 30%. Còn theo các kết quả điều tra mới đây của Trường ĐH Kinh tế TPHCM, chỉ có 40% SV của trường tìm được việc làm trong thời gian 6 tháng sau khi tốt nghiệp và sau một năm tăng lên khoảng hơn 70%. Ngay cả số SV ra trường tìm được việc làm thì phần lớn có việc làm bấp bênh, thường xuyên chuyển đổi chỗ làm. Hệ quả, theo TS Nguyễn Thuấn, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM kiêm Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) Sinh viên – Học sinh (Profec), mặc dù các ngành nghề kinh tế, khu vực doanh nghiệp (DN) thường xuyên thiếu hụt lao động, nhưng SV ra trường vẫn không tìm kiếm được việc làm, tỉ lệ thất nghiệp rất cao. Ông Nguyễn Hoàng Kháng, Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công thuộc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết mỗi năm TPHCM có khoảng 32.000 SV tốt nghiệp đại học, trong đó khoảng 30% trong số này có việc làm phù hợp; còn lại khoảng 50% có việc làm trái ngành nghề đào tạo, việc làm chưa ổn định, thu nhập thấp và 20% khó tìm việc. Trong khi đó, khảo sát nhu cầu tuyển dụng cũng chỉ có khoảng 34% DN hài lòng ứng viên được tuyển dụng; 66% chưa hài lòng.
Tư vấn việc làm còn mang tính phong trào
Thất nghiệp là quy luật tất yếu của cung – cầu lao động trên thị trường. Vấn đề đặt ra ở đây là SV đại học ra trường thiếu hẳn hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm từ phía nhà trường. Còn nhớ, tại TPHCM, từ năm 1996, Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã đưa hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm đến với SV. Đến đầu năm 2001, thực hiện theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, trường thành lập bộ phận tư vấn nghề nghiệp và đặt tại Trung tâm DVVL Profec thuộc trường. Mục đích giúp SV có sự chuẩn bị tốt trong việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Đây có thể coi là mô hình hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm rất thiết thực.
Thế nhưng, 2 năm qua, từ khi Bộ GD-ĐT có chủ trương khuyến khích mỗi trường nên thành lập một bộ phận tư vấn nghề nghiệp đến nay, hầu hết các trường chưa chú trọng việc hình thành bộ phận này. Các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm nếu có thì các trường đặt vào trung tâm hỗ trợ SV, phòng công tác chính trị và làm chiếu lệ, theo kiểu phong trào. Một số nhà tuyển dụng cho rằng việc lấp dần khoảng cách đào tạo – sử dụng lao động hiện nay không thể bỏ quên công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho SV.
Bình luận (0)