xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lời thầy ấm giữa cơn mưa

Mộc Miên (xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên)

Hôm ấy là lần đầu tiên trong đời học trò, tôi bị điệu lên phòng thầy hiệu trưởng, mà còn là vì lý do điểm kém. Đi cùng tôi còn có những mười khuôn mặt “tiêu biểu” của học sinh hai khối mười một và mười hai nữa.

Vì lúc vừa ra khỏi lớp một đứa bạn đã bỏ nhỏ vào tai tôi: “Ở ngôi trường Cấp II-III Sơn Thành này, thầy Trần Quốc Nhuận nổi tiếng nghiêm khắc đấy, lần này cậu ốm đòn rồi!” nên vừa nhìn thấy thầy là tôi run bắn.
 
Thầy nhẹ nhàng bảo: “Em nào hôm nay bị điểm kém môn gì thì lấy môn đó ra học lại bài đó. Thầy sẽ kiểm tra, ai đạt yêu cầu, thầy cho về!”. Khi học xong, thầy cầm vở hỏi từng câu hỏi một, từng bài tập một, yêu cầu giải thích tại sao làm ra kết quả đó. Sau khi trò trả lời, thầy mới nhận xét lại rất bài bản. Nếu sai, thầy bắt học lại, làm lại bài đến khi thuộc và hiểu vấn đề mới thôi. Trước khi hai bạn đầu tiên ra khỏi phòng, thầy hỏi:
- Các em có đói không?
- Dạ có ạ!
- Đấy, các em thấy không? Đói bụng thì rất khó chịu nhưng cái đói cơm áo không đáng sợ bằng đói chữ.
 
Rồi thầy ân cần giảng giải về tầm quan trọng của sự học. Đói cơm một bữa cũng được nhưng đừng bao giờ để mình đói chữ. 
 
Hai đứa đạp xe cật lực ra về dưới làn mưa giăng trắng đất trắng trời vì sợ nước ngập cầu Tràn không qua được. Tôi thầm cảm ơn Thúy. Nó cũng đã nhịn đói, kiên nhẫn chờ tôi thực hiện “án khổ sai” xong mới cùng về. Mặt nó và tôi giàn giụa nước mưa, đường vắng ngắt, lạnh nhưng tôi không thấy đói, trong đầu tôi văng vẳng lời thầy: “Đói chữ khủng khiếp và đáng sợ hơn đói một bữa cơm!”. Chiếc cầu Tràn hiện ra trước mặt, nhưng không thấy mặt cầu nữa. Nước từ trên các sườn núi dồn về trong cơn mưa như trút tạo thành con suối  trong chốc lát. Nước đỏ ngầu, hung dữ và chảy xiết đã ngập cả hai hàng cột đo mực nước. Thấy khuôn mặt hơi tái vì lạnh của Thúy, tự dưng tôi thấy thương nó. Từ khi xuống đây học dù hai đứa không còn chung lớp nữa, nhưng ngày nào cũng đi và về cùng nhau. Hôm nay, vì tôi xơi ngỗng mà nó nên nông nỗi này. Chắc nó cũng đói và lạnh lắm. 
 
Hai đứa đang chờ nhờ người dắt qua thì thầy xuất hiện. Thầy bảo: “Lúc nãy, sau khi các em về, thầy gọi điện hỏi nên biết, trên này mưa từ lúc tám giờ rồi, và mưa rất to nên chạy đến đây xem thử. Nước lớn lắm, không qua được đâu, quay lại xuống nhà thầy ở!”. Thầy lo lắng cho chúng tôi thế ư? Vậy mà mới vừa lúc nãy khi bị gọi lên phòng thầy trong lòng tôi đã chỉ tồn tại một chữ “ghét” to tướng. Tôi ghét văn, ghét “con ngỗng” vì không thuộc bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận. Ghét luôn cả thầy, oán trách thầy vì thầy bắt chúng tôi nhịn đói học bài. Tôi cúi đầu, xấu hổ, ân hận với lòng.
………..
 
Căn nhà cấp bốn của thầy tuy nhỏ nhưng ngăn nắp. Trong phòng khách là những tấm bằng khen của thầy, cô và các anh chị treo xếp thành hàng. Phía dưới là một giá sách lớn với thật nhiều sách. Ngoài những cuốn sách về địa lý, về quản lý giáo dục, ngoại ngữ, phần nhiều là những tác phẩm văn học.
 
Hai đứa tôi được thầy cho đọc tất cả những cuốn mà mình thích vào những ngày mưa ở lại nhà thầy. Thầy dạy cho hai đứa tôi cách tự học, tự tìm tài liệu để bổ sung kiến thức. Kể cho chúng tôi nghe về những tấm gương vượt khó học giỏi, vươn lên trong mọi hoàn cảnh để trở thành người có ích cho xã hội và dặn: “Đừng bao giờ nản lòng nghe hai đứa, phải cố gắng học cho thành tài, đừng phụ lòng cha mẹ. Tương lai các em đang rộng mở ở phía trước. Hãy cứ ước mơ và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, các em sẽ thành công”. Thầy còn nói về những tác phẩm văn chương mà thầy đã đọc cho chúng tôi nghe. Tôi thích học văn từ đấy. Thầy bảo những người yêu văn thường điềm đạm, nhân hậu, và có cuộc sống nội tâm phong phú. Tôi cũng yêu văn, say mê văn vì thầy là một minh chứng cho những người yêu văn thì nhân hậu vị tha, luôn được mọi người yêu kính. Chính thầy đã thắp lên trong tôi niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống để vươn lên thành người có ích cho xã hội.
 
Thầy vẫn đi sớm về trưa, tận tụy với nghề. Vẫn quan tâm đến từng học trò như là một người mẹ lo lắng cho những đứa con. Vẫn hay phạt và dạy học trò theo cách riêng của thầy. Nhưng sau sự quan tâm và mỗi hình phạt đó, chúng tôi, ai cũng trưởng thành hơn.     
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo