Từ khi được vay vốn xóa đói giảm nghèo (XĐGN) để vào chợ buôn bán, gia đình tôi có đồng vô đồng ra, việc học hành của mấy đứa nhỏ không bị gián đoạn. Sắp tới, thằng con lớn của tôi sẽ đi xuất khẩu lao động”. Đó là tâm sự của chị Trần Thị Ánh Hồng, 43 tuổi, tiểu thương buôn bán trái cây ở chợ Bà Chồi, xã Long Thới, huyện Nhà Bè-TPHCM. Chị Hồng là một trong hàng chục tiểu thương nghèo được tạo điều kiện kinh doanh tại chợ từ tháng 10-2003 đến nay.
Nỗ lực vượt nghèo
Với nhiều tiểu thương ở chợ, nỗ lực vượt nghèo của chị Hồng là một tấm gương đáng trân trọng. Cuối năm 2001, chồng chị Hồng chẳng may bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông; một năm sau đó, đến lượt mẹ chồng bị tai biến mạch máu não phải nằm một chỗ. Hai tai họa ập xuống cái gia đình nghèo ấy gần như một lúc tưởng chừng sẽ làm chị Hồng suy sụp, trong lúc 4 đứa con còn đang độ tuổi ăn học. Cuối năm 2003, được Ban Chỉ đạo XĐGN xã cho vay 7 triệu đồng và bố trí buôn bán ở chợ mới, chị chịu khó thức khuya dậy sớm lấy hàng về bán. Đều đặn mỗi ngày, khoảng 24 giờ đêm, chị đón xe buýt đến chợ đầu mối nông sản Thủ Đức lấy trái cây về bán. Tiền lời mỗi ngày kiếm được khoảng 40.000 đồng, đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. “Được vầy là gia đình tui mừng lắm rồi” - chị Hồng bộc bạch. Nghị lực của chị Hồng cùng với sự hỗ trợ kịp thời của xã được ví như phép mầu trong công tác XĐGN ở một địa phương nghèo như Long Thới.
Xây chợ cho người nghèo
Trước khi chợ Bà Chồi được hình thành (tháng 10-2003), chỗ buôn bán của tiểu thương nghèo chỉ là tấm ni lông trải vội trên mặt đất, bày dọc theo con kênh có cùng tên với chợ. Vốn liếng ít ỏi nên hàng hóa cũng thưa thớt, chợ lại họp tự phát nên khách hàng phần lớn vẫn là dân địa phương. Có một ngôi chợ khang trang để tiểu thương có nơi buôn bán ổn định là ước mơ của Đảng ủy, chính quyền và bà con trong xã. Hiểu được khó khăn của địa phương, tháng 8-2003, TP phê duyệt dự án xây chợ Bà Chồi với tổng kinh phí đầu tư gần 2 tỉ đồng. Đây là công trình trọng điểm của TP dành cho 20 phường, xã nghèo. Sau 55 ngày thi công, chợ Bà Chồi mới mọc lên khá khang trang. Nhiều hộ kinh doanh có vốn ở nơi khác đến nộp đơn xin vào bán. Song quan điểm của huyện và xã vẫn là: Ưu tiên đặc biệt cho người nghèo đúng như ý nghĩa mục đích của công trình. Và đến tháng 1-2004, đã có 60 hộ nghèo được tạo điều kiện vào chợ kinh doanh. Tiền hoa chi thu được từ tiểu thương quá thấp (30.000 đồng đến 50.000 đồng/hộ/tháng) chỉ đủ để quản lý chợ. Theo ông Trần Công Trí, Chủ tịch UBND xã Long Thới, thời gian đầu chuyện lời lỗ không thành vấn đề, miễn là bà con có nơi buôn bán ổn định để cải thiện thu nhập. Đầu tháng 2-2004, xã đã nhận thêm 130 đơn xin đăng ký vào chợ buôn bán, trong khi khả năng xã chỉ có thể giải quyết cho từ 90 đến 100 hộ. Đó là tín hiệu lạc quan đối với một ngôi chợ mới như chợ Bà Chồi. Và, cũng như những lần trước, người nghèo vẫn là ưu tiên số một.
Các đoàn thể cùng vào cuộc
Ngày đắt khách, bà Nguyễn Thị Chao, buôn bán trái cây, kiếm được vài ba chục ngàn đồng, đủ để lo chuyện cơm nước và trả tiền góp vốn vay. Tiền lời từ gian hàng hủ tiếu của bà Tư Hùng, quầy giải khát của ông Nguyễn Trí Long cũng thế. Người có vốn cao nhất khoảng 2 triệu đồng, thấp nhất thì vài trăm ngàn đồng. Phần lớn các sạp hàng của tiểu thương nghèo vượt khó khá đơn giản, có khi là vài chục nải chuối, rau ghém các loại, mớ rô đồng còn tươi roi rói..., song đối với họ đó là cả một gia tài. Điều đáng mừng là để tạo điều kiện cho bà con tiểu thương có vốn kinh doanh, chính quyền xã đã phối hợp với các đoàn thể như Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đã triển khai các hình thức trợ vốn khá linh động. Ông Nguyễn Trí Dũng, cán bộ chuyên trách XĐGN xã, cho biết trước Tết đã trợ vốn 50 triệu đồng cho 7 tiểu thương vay bán Tết. Ông Nguyễn Đan Trường, Trưởng Chi nhánh CEP huyện Nhà Bè, nói: “Hầu hết bà con tiểu thương đều chưa có kinh nghiệm làm ăn, nếu không chủ động hướng dẫn ngành nghề cho họ thì rất dễ cụt vốn”. Và Chi nhánh CEP huyện đã phát vay 170 triệu đồng cho 75 lượt tiểu thương nghèo vay; hầu hết đều làm ăn khá, trả lãi góp đúng hạn.
Nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của TP và huyện cùng những nỗ lực của xã cũng như bản thân từng hộ nghèo, đến tháng 10-2003, Long Thới chính thức được công nhận cơ bản thoát nghèo. Đây là tín hiệu vui đối với một xã nghèo như Long Thới. Chợ Bà Chồi được hình thành không chỉ góp phần giúp bà con vượt nghèo mà còn nâng cao nhận thức, tầm nhìn của bà con vùng sâu.
Bình luận (0)