Ông Hà Văn Nên, trưởng ấp Quyết Thắng, xã Khánh Hậu, thị xã Tân An (Long An) dẫn chúng tôi đến thăm những gia đình chăn nuôi gà lấy trứng trong trong tâm trạng buồn hiu hắt. Ông nói: “Có lẽ Giáp Thân sẽ là cái Tết buồn nhất của người dân ở đây. Bởi vì phần lớn dân chúng đều sống bằng nghề nuôi gà bán trứng, vậy mà gà cứ chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỉ đồng...”.
Cán bộ thú y đâu?.- Đến nhà anh Mai Văn Đạo chúng tôi tần ngần ngoài cửa một hồi lâu mới dám đánh tiếng. Bởi vì trong nhà mỗi người nằm một góc, gương mặt sầu thảm, nuối tiếc. Còn hai dãy trại rộng thênh thang thì trống hoác, chỉ còn lại mớ lông bốc lên mỗi khi có cơn gió thoảng qua. Theo ông Nên, so với những hộ chăn nuôi gà đẻ khác ở ấp Quyết Thắng, anh Đạo có đến 10 năm trong nghề, từng vững vàng đối đầu với những trận dịch lớn, nhưng không lần nào chịu bó tay nhìn 3.200 con gà trong độ rớt trứng chết trơ trụi. Anh Đạo nói: “Ngày 25-12, trong trại chỉ có hai con gà có biểu hiện bị bệnh, tôi liền ra hiệu thuốc thú ý mua thuốc kháng sinh đem về chích. Nhưng vừa rút kim ra thì chúng ngã ra chết tốt. Sau đó, tôi mua thuốc ngừa chích kèm kháng sinh, kết quả mỗi đêm có đến 500 con chết, sau đó thì chết sạch chuồng. Trời vừa sụp tối là thời điểm gà trong chuồng ngã chết đồng loạt”. Anh Đạo bị thiệt hại trên 150 triệu đồng, trong đó hơn một nửa là vốn vay ngân hàng. Còn những người nuôi từ 4.000 - 5.000 con như ông Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Sáu, Lương Văn Hoàng Đức thì thiệt hại từ 200 triệu đồng trở lên.
Theo ông Hà Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Khánh Hậu, hai tuần nay gà chết hàng loạt như vậy mà không thấy bóng ông cán bộ thú y nào ở trên xuống giúp đỡ người dân. Được biết, một số đại lý thức ăn gia súc ở thị xã Tân An có mời đoàn bác sĩ thú y ở TPHCM, có cả chuyên gia Đài Loan xuống mổ gà, lấy mẫu xét nghiệm, nhưng cũng lắc đầu không biết gà bị bệnh gì mà chết.
Cách ấp Quyết Thắng một bờ ranh là ấp Tân Thuận, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành (Tiền Giang) còn ảm đạm hơn. Ở đây có khoảng 120 hộ dân, có hơn 70% hộ sống bằng nghề nuôi gà đẻ. Hộ nuôi ít nhất là 2.000 con, hộ nhiều nhất là 6.000 con, nhưng chỉ trong vòng một tuần lễ cuối năm 2003, người chăn nuôi gà ấp Tân Thuận đã đồng loạt giũ sạch chuồng. Khi chúng tôi đến, không khí ở ấp Tân Thuận còn ươm mùi khét, mùi ôi thối bốc ra từ hố thiêu xác gà chết. Chị Hà Thị Ngọc Anh hãy còn đang cùng chồng thiêu nốt mấy chục con sau cùng. Để thiêu hủy 2.000 con gà, vợ chồng chị phải mất hai tấn trấu.
Tại khu phố Bình Yên Đông, phường 4, thị xã Tân An (Long An), nơi dịch gà đang hoành hành, chúng tôi gặp nhiều chủ trại gà có tiếng ở địa phương, nhưng bây giờ họ cũng chỉ còn là con số không. Hàng nghìn con gà đã ra đi trong đêm trời trở lạnh. Không chỉ ở phường 4, mà một số vùng quê khác ở huyện Châu Thành cũng có hàng chục nghìn con gà chết, hàng trăm chủ trại vỡ nợ, lao đao, khốn khổ. Theo anh Nguyễn Văn Thạnh ở xã Hiệp Thạnh, khi gà trong chuồng chết sạch mới thấy cán bộ thú y ở tỉnh xuống thống kê con số thiệt hại, nghiên cứu mầm bệnh phát ra từ đâu!
Gà chết do bệnh gì?.- Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Long, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An, cho biết dù tập trung sức làm xét nghiệm, nghiên cứu lâm sàng nhưng vẫn chưa tìm được gà chết do bệnh gì. Hiện có các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng gà mái đẻ chết hàng loạt: Thời tiết thay đổi đột ngột, ngày nắng nóng đêm lạnh, do các bệnh bùng phát cùng một lúc như Gumboro, tụ huyết trùng,
Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng hợp sức ngăn chặn người dân đưa thịt gà chết ra thị trường tiêu thụ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y TPHCM để sớm xác định nguyên nhân, tìm ra biện pháp chữa trị, phòng ngừa hữu hiệu để khống chế việc gà chết hàng loạt. Ông Long cũng thừa nhận số gà chết thực tế nhiều hơn so với số lượng mà cơ quan thú y Long An nắm được (có thể trên 100.000 con).
Bình luận (0)