xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa

Đào Tùng - Ảnh: Tấn Nguyên. Đông Linh, Thuận Huỳnh

(NLĐO) – Múa lân, múa rồng là nét đẹp văn hóa cổ truyền ngày Tết của dân tộc Việt, mang đến niềm vui, những điều may mắn trong dịp đầu xuân.

Tiếng trống, thanh la, chập chõa vang rền, người xem thật đông, háo hức dõi theo từng vũ điệu uyển chuyển và đẹp mắt của những chú lân, sư hoặc rồng. 

Tất cả ngóng chờ những tiết mục hay nhất và cùng vỡ òa theo động tác leo cây nêu cao tít tắp của chú sư nghịch ngợm mê bắp cải, những pha bay lượn lên Mai hoa thung của cặp lân liên tục chau đôi chân mày bạc hay màn uốn lượn của những chú rồng cửu khúc thân hình lấp lánh dạ quang.

Nét đẹp văn hóa từ nghìn xưa

Trong văn hóa tâm linh của người Việt xưa cũng như của nhiều dân tộc châu Á, lân - sư - rồng biểu trưng cho chính nghĩa với sức mạnh phi thường, đủ sức trấn áp những điều xấu, vận rủi... 

Lân hay rồng đều chỉ có trong thần thoại, vì vậy, người xưa quan niệm nếu được diện kiến những linh vật này, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội, ngày khai trương hay động thổ, đồng nghĩa với nhiều điều may mắn, chắc chắn sẽ có được vận may, sự hanh thông và phát đạt trong công việc cũng như cuộc sống.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 1.

Những chú lân là một phần ký ức trẻ thơ Việt Nam

Điểm tinh túy của các điệu múa lân sư rồng chính là sự kết hợp giữa nét đẹp tâm linh và võ thuật truyền thống, tùy theo không gian và thời gian mà người ta có thể biểu diễn từng bài và cách múa cho phù hợp. 

Nếu để thi tài với nhau, các đội có thể biểu diễn bài múa kết hợp lân với rồng, lân với sư hay kết hợp cả ba thể loại, kết hợp với dàn nhạc cụ gõ, trống, thanh la và chập chõa.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 2.

Một bài biểu diễn múa rồng ở Liên hoan Lân Sư Rồng TP HCM 2023

Từ một loại hình nghệ thuật dân gian được cho là xuất hiện đầu tiên từ thế kỷ III tại Trung Hoa, múa lân sư rồng dần dần trở thành hoạt động văn hóa khá phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Tây Tạng, Indonesia, Malaysia, Triều Tiên… 

Tại Việt Nam, từ bao đời nay, múa lân sư rồng đã được xem là một bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc và hiện vẫn được duy trì phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh thành trong cả nước.

Bước ra từ truyền thuyết

Từ xa xưa, lân là một linh vật, thường được đặt tại nơi tôn nghiêm ở các đền đài, lăng tẩm vua chúa, ở các đình chùa. Do vậy, đầu lân và các điệu múa đều thể hiện sức mạnh, sự oai phong lẫm liệt. 

Vì thế, người múa lân phải giỏi võ, có thể lực tốt, sức dẻo dai để chịu dựng được thời gian biểu diễn kéo dài.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 3.

Múa lân trong dịp lễ tết là nét văn hóa lâu đời của người Việt

Truyền thuyết dân gian Việt Nam kể rằng, Lân là một sinh vật được phong thánh, đứng thứ nhì trong bộ tứ linh: Long (rồng), Lân (kỳ lân), Quy (rùa), Phụng (chim phượng hoàng)… 

Lân là con cái, còn con đực gọi là Kỳ, gọi chung là Kỳ Lân. Kỳ lân là một con vật có đầu nửa rồng nửa thú, chỉ có một sừng, không húc ai bao giờ nên chiếc sừng này được xem là hiện thân của sự từ tâm.

Phần lớn hình ảnh lân được khắc họa là có sừng của loài nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử, miệng rất rộng, có thân ngựa, chân hươu, đuôi bò. Đôi khi nó lại có hình dáng của một con hươu xạ, với chiếc đuôi bò, trán sói, móng ngựa, da có đủ 5 màu, đặc biệt dưới bụng có màu vàng đặc trưng...

Nhưng cho dù có xuất hiện với hình dạng như thế nào đi nữa, trong tín ngưỡng dân gian phương Đông, kỳ lân cũng là linh vật báo điềm lành, là biểu tượng cho sự nguy nga đường bệ, sự trường thọ và niềm hạnh phúc lớn lao. 

Kỳ lân mang trong mình tất cả những phẩm chất đặc trưng của một con vật nhân từ, khi di chuyển nó tránh giẫm lên các loại côn trùng và cỏ mềm dưới chân mình.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 4.

Biểu diễn lân sư rồng các dịp lễ hội

Theo truyền thuyết, từ hơn ba nghìn năm trước, lân xuất hiện và mỗi năm nó lại hạ sơn một lần, bắt người và thú vật ăn thịt, gieo rắc kinh hoàng khắp nơi. Nhân dân kêu than, cúng vái và tìm nhiều cách diệt trừ nó nhưng đều thất bại. Trước một giống vật lạ vừa hung dữ, vừa mạnh bạo, con người tưởng đã chịu bó tay.

Một ngày kia, Phật Di Lặc hóa thân thành ông Địa xuống trần gian để giải cứu chúng sinh. Ông Địa xuất hiện, miệng cười toe toét, hiền hòa, nhử lân ăn một loại cỏ tiên (Linh chi thảo) khiến nó từ một con vật dữ tợn ưa ăn thịt người trở thành một loài thú hiền lành, chỉ còn thích bắp cải và hoa quả… 

Lân thuần tính, quy phục ông Địa và biết nhảy múa làm vui cho mọi người. Dân chúng hò reo mừng rỡ, cuộc sống thanh bình trở lại. Sau đó, ông Địa đưa con Lân về trời.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 5.

Lân lên Mai hoa thung

Từ đó, trong dân gian truyền tụng: "Kỳ lân xuất thế, thiên hạ thái bình". Hàng năm, lân đều xuất hiện, có điều là hiện diện của nó kể từ đó đều mang đến cho mọi người nhiều may mắn, làm ăn phát tài phát lộc.

Lân sư rồng ở Việt Nam

Xuất hiện từ bao giờ chẳng rõ, múa lân sư rồng đã là nét văn hóa không thể thiếu của người dân Việt Nam. 

Trong dòng tranh Đông Hồ cổ, những nhà sưu tầm lưu trữ các bản vẽ có dòng chữ nôm ghi là "Phụng Lan", miêu tả lại một điệu nhảy sư tử tương tự nghệ thuật biểu diễn múa Lân thường xuất hiện trong những dịp lễ hội, đặc biệt là tết Nguyên tiêu, tết Trung thu và tết Nguyên đán.

Điệu nhảy đặc trưng của Việt Nam thường đi kèm với các võ sĩ và nhào lộn. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của một nhân vật "tai to, mặt lớn, bụng phệ, miệng cười ngoác tận mang tai" một tay cầm cây gậy có quả cầu trên đỉnh, một tay phe phẩy cái quạt mo, chính là ông Địa.

Múa lân sư rồng được nhiều tầng lớp xã hội ưa chuộng, đặc biệt là khi biểu diễn vào những ngày đầu năm mới, tại các lễ hội truyền thống hay các hoạt động khánh tiết. 

Tùy theo không gian và mùa lễ hội, lân sư rồng sẽ có những bài múa khác nhau, không chỉ múa riêng lẻ mà còn có thể múa chung để tạo thành bộ ba hoàn hảo nhất.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 6.

Người dân yêu thích xem múa lân sư rồng

Tùy theo vùng miền mà tên gọi của môn nghệ thuật này cũng khác nhau. Miền Bắc thường gọi là múa sư tử, miền Nam gọi chung là múa lân. 

Nếu múa lân vào dịp Tết trung thu là niềm vui, một phần ký ức tuyệt đẹp của trẻ thơ và cả người lớn về những ngày trung tuần tháng 8 âm lịch, thời tiết say lòng người với những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc, đường phố nhộn nhịp với tiếng trống thùng thình vang lên khắp nơi, thì vào mùa xuân, múa lân sư rồng còn mang một ý nghĩa tốt đẹp hơn.

Theo quan niệm văn hóa phương Đông, các con vật trong tứ linh như Long, Lân, Phụng tượng trưng cho sức mạnh, hạnh phúc, thịnh vượng có thể xua đuổi tà khí, mang lại may mắn, bình an cho gia chủ trong cả một năm. 

Khi lân vào nhà, các loại tà khí sẽ bị xua đi, cùng với đó là rước an vui, hạnh phúc vào nhà, gia chủ sẽ được bình an. Đây chính là ý nghĩa của phong tục múa lân ngày Tết Nguyên đán, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, nhiều niềm vui an lành.

Tinh túy văn hóa, sức mạnh thể thao

Từ một loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm nét giải trí, biểu diễn lân sư rồng dần được nâng tầm thành hoạt động thi đấu thể thao, khuyến khích người tập nâng cao thể chất, tầm vóc và nghị lực. 

Với xuất phát điểm từ phương pháp đào tạo, huấn luyện dựa trên nền tảng tập luyện võ thuật, các đoàn Lân Sư Rồng về mặt nào đó cũng chính là những "lò" võ dân gian, đại diện cho nhiều môn phái khác nhau.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 7.

Vũ điệu song hỉ

Múa lân sư rồng mang tính biểu diễn nên đòi hỏi rất cao về nghệ thuật trong từng động tác. Vì vậy, người múa phải có niềm đam mê và trải qua quá trình luyện tập công phu nhiều năm mới thực hiện được bài múa đẹp mắt. 

Các đội múa lân thường chắt lọc tinh hoa văn hóa gốc kết hợp với võ cổ truyền, múa dân gian, múa dân tộc… tạo thành các bài quyền, pháp độc đáo. Người múa phải tải được "cái hồn" của con lân, phải mô phỏng cho đúng điệu bộ, dáng dấp con sư tử nhưng thể hiện được tính vui tươi, mang đến niềm hân hoan cho người xem. 

Ngày xưa, trước khi tập múa lân phải tập võ thuật trước. Học võ thì bộ mới thanh thoát, hình thái con lân mới biểu hiện ra.

Nhắc đến Lân Sư Rồng, khu Sài Gòn - Chợ Lớn được xem như cái nôi nuôi dưỡng và phát triển nhiều đoàn lân nổi tiếng hàng thập niên qua, thừa hưởng nhiều nét tinh túy của các thế hệ võ sư đỉnh cao gắn bó mật thiết với biểu diễn. 

Các đoàn Nhơn Nghĩa đường, Liên Nghĩa đường, Hằng Anh đường, Tinh Anh đường, Hào Dũng đường, Xuân Hoa đường… có quá trình hoạt động lâu dài, phát triển mạnh mẽ.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 8.

Đoàn lân Hùng Hưng

Đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường được sáng lập từ năm 1936 và hiện do nghệ nhân nhân dân Lưu Kiếm Xương làm chưởng môn kiêm trưởng đoàn. 

Gia đình ông cha truyền con nối ba thế hệ tập võ, tập đánh trống, múa lân, tập các tiết mục tạp kỹ, buổi đầu đoàn chủ yếu đi phục vụ chùa chiền, đền miếu các dịp lễ tết, trung thu để mang đến những điều vui tươi và chúc phúc, cầu may mắn cho người dân. 

Sau này, Nhơn Nghĩa đường giữ vai trò quan trọng, nhiều lần đại diện lân sư rồng Việt Nam tham gia tranh tài tại các giải đấu quốc tế và mang về rất nhiều thành tích rất đáng trân trọng.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 9.

Lân Nhơn Nghĩa Đường

Nhiều địa phương hiện đã xúc tiến thành lập liên đoàn và hoạt động khá đều tay, từ vai trò tiên phong của Liên đoàn Lân Sư Rồng TP Cần Thơ ra mắt từ năm 2014, sau đó sáu năm là Liên đoàn Lân Sư Rồng TP HCM "trình làng", hai anh cả của làng lân sư rồng cả nước.

Lân Sư Rồng cũng chính thức có mặt trong hệ thống thi đấu thể thao quần chúng quốc gia, gần nhất là Liên hoan Lân Sư Rồng toàn quốc lần thứ 9 tổ chức mới đây tại TP Hải Phòng.

Liên hoan với sự tham gia của gần 150 VĐV đến từ các câu lạc bộ Lân Sư Rồng của 5 tỉnh, thành (An Giang, TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng), tranh tài ở 5 nội dung: Nhảy bục, Mai hoa thung, Múa rồng, Địa bửu và Leo cột cá nhân.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 10.

Mai hoa thung - tiết mục biểu diễn khó nhất và đẹp mắt nhất

Trước đó, vào năm 2022, Lân Sư Rồng cũng lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX tại Quảng Ninh và thành công rực rỡ cả về công tác tổ chức lẫn chuyên môn. 

Hơn 20 tỉnh, thành phát triển phong trào, 10 doanh nghiệp có tư cách pháp nhân về hoạt động loại hình này đã được thành lập, làm tiền đề cho bước phát triển mới.

Nâng tầm, vươn ra biển lớn

Tháng 6-2022, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Ban vận động thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. 

Sau gần 10 tháng, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam lần đầu tiên được ra mắt với sự ủng hộ của trên 140 tổ chức doanh nghiệp, cá nhân cùng đông đảo những người yêu mến Lân Sư Rồng trên cả nước.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 11.

Lân Sư Rồng Việt Nam với vai trò một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo Luật Thể dục thể thao, được kỳ vọng sẽ tham gia thúc đẩy phong trào, tăng cường cơ hội hội nhập quốc tế, phát triển và đưa Lân Sư Rồng Việt Nam gặt hái nhiều thành tích tại đấu trường quốc tế.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 12.

Lân Sư Rồng là liên đoàn thể thao tại Việt Nam

Không chỉ cam kết dồn hết tâm huyết cho việc phát triển Lân Sư Rồng trong nước cũng như trên đấu trường quốc tế, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam và các ban ngành liên quan còn đang xúc tiến việc đề nghị UNESCO công nhận múa Lân Sư Rồng là di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam. 

Đây là bước đi quan trọng để nâng cao vị thế của loại hình nghệ thuật dân gian mà từ nhiều thế hệ đã gắn bó với cộng đồng, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của xã hội Việt Nam, tự thân hàm súc những nét đẹp văn hóa độc đáo cần gìn giữ và phát huy.

Các kiểu múa lân:

+ "Độc chiếm ngao đầu" - Một con lân tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một hảo hán, một vị anh hùng. biểu diễn, thể hiện tài tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi.

+ "Song hỉ" - Hai con lân như vợ với chồng, như đất trời và âm dương tương hợp cùng biểu diễn, thể hiện niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp như loan với phụng.

+ "Tam Tinh" - Ba con lân hợp múa thể hiện những điều cầu nguyện của mọi người đạt được điều lành, ba điều tốt là Phúc, Lộc, Thọ với ba màu vàng, đỏ, đen.

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 13.

+ "Tam Anh" - Ba con lân cùng múa tượng trưng cho Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi diễn tả sự gắn bó, yêu thương với nhau hơn cả anh em ruột thịt cho đến chết, đồng thời thể hiện hùng dũng, chí lớn.

+ "Tứ Quý hưng long" - Bốn con lân cùng múa, tượng trưng cho bốn mùa, bốn phương, bốn hiện tượng trong trời đất gồm bốn đầu lân trắng, vàng, đỏ, đen (hoặc xanh), diễn tả sự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Hàm râu là... đầu câu chuyện

Không phải con lân nào cũng được múa ngày tết nếu không hội đủ bốn quý tướng của tứ linh: hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa, gần mép phải có gai như vây cá. Để khai trương người ta đem lân râu vàng và râu bạch kim, tượng trưng cho vàng và bạc, múa trước bàn thờ Thần Tài, hàm ý cầu mong cho làm ăn phát tài, lúc nào cũng dồi dào vàng bạc.

Lân mang nhiều sắc mặt: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen. Ba đầu lân được ưa chuộng nhất là trắng, đỏ và đen. Ba đầu lân thường múa chung với nhau, kể lại tích "Ðào viên kết nghĩa" là lân mặt vàng, râu trắng (Lưu Bị), lân mặt đỏ râu đen (Quan Vân Trường) và lân mặt đen, râu đen (Trương Phi).

Lân Sư Rồng: Từ truyền thuyết đến hành trình di sản văn hóa- Ảnh 14.

Lân râu bạc

Râu lân là bộ phận quan trọng nhất trên đầu lân. Theo quan niệm từ xưa, lân râu bạc hay râu đen là dựa theo tuổi tác của đoàn lân. Đoàn lân phải từ ba mươi năm trở lên mới được sử dụng lân râu bạc.

Lân râu bạc hay trắng, được xem như là chúa các loài lân. Lân râu hoe hoe, đại diện cho các đội lân hạng nhì còn lân râu xanh hay đen là lớp đàn em.

Trong nghiệp múa lân, nếu "biết trên biết dưới" theo "luật lệ giang hồ" thì mọi sự tốt đẹp, còn không thì các cuộc huyết đấu sẽ xảy ra ngay trong lúc trổ tài và thực tế, nhất là trước 1975, nhiều cuộc huyết chiến đã xảy ra dữ dội tại Sài Gòn từ mấy chuyện này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo