Học trò ngoại thành rất nghèo, nhiều em còn đến trường với đôi chân trần. Khi chúng tôi đến nhà vận động ra lớp, nhiều gia đình còn nhờ đặt tên và làm giùm luôn khai sinh cho đứa nhỏ. Thương lắm, ai mà bỏ đi cho đành”. Lời tâm sự đầy cảm động ấy của cô Bùi Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Thạnh, huyện Củ Chi - TPHCM, đã gây xúc động cho những đại biểu tham dự buổi giao lưu nhà giáo ưu tú (NGƯT) do Công đoàn ngành giáo dục TP tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động sáng 15-11. Sinh trưởng tại quê hương 18 thôn vườn trầu huyện Hóc Môn, từ hơn 20 năm qua, cô Tuyết đã quyết định gắn bó đời mình với vùng đất được mệnh danh là Đất thép từ những lý do đơn giản như thế!
Xây dựng phương pháp dạy văn đơn giản
Đó là nét đẹp đáng quý dễ nhận ra nhất ở 4 NGƯT được chọn giao lưu, được thể hiện qua những việc làm cụ thể ở trường, ở lớp. Trở lại câu chuyện vận động học sinh (HS) ra lớp của cô Tuyết, thương HS nghèo chịu nhiều thiệt thòi, cô và nhiều đồng nghiệp cất công lặn lội đến từng nhà để tìm hiểu tình hình, rồi vận động chính quyền địa phương hỗ trợ. Việc vận động đã tạm ổn cũng là lúc cô và đồng nghiệp lại lao vào nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giờ lên lớp (thao giảng, báo cáo chuyên đề). Sự tận tụy, hết mình vì HS với cái tâm trong sáng của đội ngũ giáo viên (GV) nhà trường cuối cùng cũng được đền bù tương xứng: HS ra lớp ngày càng đông, chất lượng dạy và học được nâng chất. Đến năm học 2000-2001, Trường Tiểu học Phước Thạnh được công nhận là trường trọng điểm chất lượng cao của TP.
Với NGƯT Nguyễn Thị Ánh, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), khoảng thời gian 30 năm đứng trên bục giảng là một quá trình phấn đấu bền bỉ, khao khát tìm tòi cái mới. Theo cô Ánh tính thực dụng của kinh tế thị trường có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý học văn của HS, nên việc dạy học cũng có cái khó riêng của nó. Từ trăn trở làm sao giúp HS xóa bỏ tâm lý ngán ngại khi học môn văn, cô đã nghiên cứu xây dựng phương pháp dạy đơn giản song hết sức hiệu quả: Chọn lọc ngôn từ giản dị và dễ hiểu, chú trọng sự trong sáng của tiếng Việt và nắm thật chắc trình độ của từng HS để đưa ra cách dạy phù hợp. Sáng kiến thiết thực này được đồng nghiệp tại trường vận dụng khá hiệu quả, HS tiếp thu bài giảng nhanh và nhớ lâu hơn. Một ý tưởng độc đáo của tổ văn nhà trường để xóa bỏ cách tiếp thu bài giảng thụ động là khơi dậy ý tưởng sáng tạo của HS, từ đó giúp các em hiểu và cảm nhận tác phẩm văn học rõ hơn.
Phải biết vun đắp tình cảm thầy - trò
Đó là trải nghiệm của NGƯT Hồ Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình - TPHCM). Thầy Minh kể, khi thi vào sư phạm (hồi trước giải phóng), được một giám khảo hỏi lý do vì sao chọn ngành này, thầy đã thành thật trả lời: “Nếu không thi đậu, con sẽ phải đi lính, mà điều đó thì con không muốn”. Vị giám khảo này đã nói: “Tôi tin anh có thể trở thành một thầy giáo, bởi lẽ cái đầu tiên của người thầy anh đã có, đó là sự trung thực”. Đó cũng là bài học đầu tiên trong đời mà thầy học được. Nói về kinh nghiệm xây dựng mối quan hệ thầy trò ở trường, thầy Minh cho biết: HS bậc trung học cơ sở có diễn biến tâm lý rất phức tạp; nếu không chú trọng vấn đề này, GV đứng lớp sẽ hành xử không đúng mực với các em, nhất là những HS có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Thực tế này đòi hỏi ban giám hiệu nhà trường phải có biện pháp thích hợp. Vậy là, sáng kiến hộp thư góp ý cho HS ra đời. Có lần, do buồn chuyện gia đình, một em HS viết riêng cho thầy hiệu trưởng lá thư dài 8 trang để giãi bày. Đọc xong, thầy gặp riêng em để động viên. Theo thầy Minh, phương pháp đơn giản này đã giúp nhà trường chủ động nắm bắt và quản lý tốt quá trình sinh hoạt và học tập của HS. Lĩnh vực giáo dục không chỉ đơn thuần là việc dạy và học, mà còn là nơi để các em HS gởi gắm những tâm tư, tình cảm ngoài giờ học.
Trăn trở nghề nghiệp và những ước mơ bình dị
Buổi giao lưu cũng là dịp để các nhà giáo bộc bạch suy nghĩ về nhiều vấn đề liên quan đến ngành. Nói về chuyện dạy học thêm, thầy Minh cho rằng việc hạn chế dạy - học thêm rất khó, bởi lẽ nó xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và HS. Vấn đề quan trọng mà ngành giáo dục cần ưu tiên giải quyết là cải tiến chương trình học và nâng cao chất lượng giảng dạy. Thầy nói: “Đối với những GV trẻ mới vào nghề, tôi đã từng khuyên họ phải bỏ từ 5 đến 7 năm để gầy dựng tên tuổi người thầy ở trên lớp trước, không nên sa đà vào việc dạy thêm”. Hiện tượng thành tích ảo trong ngành giáo dục được cô Bùi Thị Tuyết lý giải khá đơn giản: Một phần nguyên nhân là do việc áp đặt chỉ tiêu thi đua. Song cô cũng khẳng định: “Chúng ta không thể lừa dối mọi người, bởi sự thật bao giờ cũng là sự thật”.
Gắn bó hàng chục năm với nghề, song khi được hỏi ước mơ lúc đến tuổi về hưu, thật bất ngờ, 4 NGƯT tại buổi giao lưu đã bộc lộ suy nghĩ rất thật, rất giản đơn. Với cô Nguyễn Thị Ánh, nếu còn được trọng dụng, cô sẽ ở lại trường để tiếp tục đóng góp. Nếu không, thì ở nhà giữ cháu ngoại, cháu nội. Với cô Tuyết, ngành giáo dục nên nghiên cứu xây dựng viện dưỡng lão dành cho nhiều GV về hưu có hoàn cảnh gia đình neo đơn. Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Đặng Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, Chủ tịch LĐLĐ TP, nói: “Đằng sau những danh hiệu cao quý là cả một quá trình dạy dỗ xiết bao khó nhọc. Ngày lại ngày, họ lặng lẽ mang kiến thức vun đắp cho thế hệ tương lai của đất nước, bởi lẽ, tri thức là chìa khóa đầu tiên để các em mở cửa, tự tin bước vào cuộc sống. Và phần thưởng lớn nhất của người thầy là sự trân trọng của xã hội dành cho họ”.
Bình luận (0)