Theo phân tích của Sở GD-ĐT, có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc học sinh lưu ban. Đó là: 1/ Vì thành tích nên các trường buộc phải cho học sinh lưu ban để bảo đảm tỉ lệ tốt nghiệp; 2/ Việc giáo viên dạy trước chương trình, mà không quan tâm kiến thức của chính lớp đang học đã tạo ra lỗ hổng kiến thức cho học sinh. Đối với việc bỏ học của học sinh thì tập trung ở những nguyên nhân sau: 1/ Do điều kiện kinh tế gia đình khókhăn; 2/ Hổng kiến thức, không tiếp thu được bài học dẫn đến chán học; 3/ Do gia đình và học sinh chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học tập...
Tuy nhiên, đa số các đại biểu cho rằng những nguyên nhân nêu trên chỉ mang tính khách quan. Có một nguyên nhân khác nằm trong bản thân của ngành GD-ĐT. Đó là chương trình học, kiểm tra, thi cử quá tải như hiện nay đã gây nên tâm lý căng thẳng, sợ học trong học sinh. Ông Hà Thúc Phú – Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3 - phát biểu: “Với chương trình học, thi cử nặng nề như hiện nay, tôi nhận thấy rằng càng ngày học sinh càng giảm thích thú khi đi học!”.
Vai trò người thầy rất quan trọng
Phần lớn các đại biểu cho rằng vai trò của giáo viên (GV) trong việc LB-BH của học sinh là rất lớn, nó mang tính quyết định. GV phải có trình độ năng lực vững vàng, phải tạo ra những giờ học nhẹ nhàng, lôi cuốn, luôn có sự cảm thông, động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời. Ông Hà Thúc Phú cho rằng: “Việc dạy thêm học thêm hiện nay cũng là nguyên nhân của LB-BH, học sinh nào không có điều kiện học thêm thì bị GV trù ép, cho điểm kém”. Ngoài tấm lòng, người GV phải có nghiệp vụ chuyên môn giỏi. Bà Trần Thị Luông – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi - phát biểu: “Phải thừa nhận rằng trình độ, năng lực GV của chúng tôi còn yếu - cũng cùng một chương trình như nhau nhưng tỉ lệ lên lớp cũng như tốt nghiệp của học sinh chúng tôi luôn thấp hơn so với các địa phương khác”. Ông Hồ Quốc Ánh-Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ - chỉ ra nhược điểm về đánh giá GV: “Việc đánh giá xếp loại GV hiện nay ở các trường còn nặng về tình cảm, nể nang nhau, với cách làm việc như thế sẽ không khuyến khích được những GV dạy tốt. Vừa qua, chúng tôi có một trường hợp, theo đánh giá của trường thì có 7 GV loại khá, nhưng khi chúng tôi tổ chức kiểm tra lại thì thực chất chỉ có 2 GV thôi!”.
Sẽ bỏ kỳ thi học sinh giỏi ở tiểu học?
Để công tác chống LB-BH đạt hiệu quả, ông Nguyễn Minh Châu - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh - cho biết: “Ở nơi khác thì tập trung GV giỏi cho những lớp chuyên, lớp chọn nhưng chúng tôi thì khác, mỗi trường chúng tôi chọn ra những học sinh yếu cho vào một lớp và tập trung những GV dạy giỏi, nhiều kinh nghiệm dạy những lớp này, nhờ thực hiện biện pháp này mà số lượng học sinh yếu của chúng tôi giảm rõ rệt, từ 14 -15% ở những năm trước, nay còn chỉ 6%”. Nhiều đại biểu cho rằng cần sớm có biện pháp cải tiến chương trình sao cho hợp lý, đừng để nặng nề như hiện nay, vì như vậy không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà GV cũng không còn thời gian học tập, bồi dưỡng thêm.
Đại diện Sở GD-ĐT TP, ông Huỳnh Công Minh – phó giám đốc sở - cho rằng điều quyết định nhất để giảm LB-BH trong học sinh là GV phải có ý thức tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho mình thông qua nhiều hình thức, như trao đổi, học tập lẫn nhau, không nên có quan niệm học ở những lớp học tập trung mới là đi học. Ông thừa nhận việc thi cử quá nhiều như hiện nay đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý học sinh. Ông cũng cho biết thêm Sở GD-ĐT đã kiến nghị nên bỏ hẳn các kỳ thi học sinh giỏi ở bậc tiểu học, việc này sẽ làm giảm bớt áp lực cho học sinh.
Bình luận (0)