xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Món nợ quê hương cần phải trả

Phạm Trường Phục

KÝ SỰ NHÂN VẬT.- Củ Chi đất thép thành đồng. Đất và người nơi đây từng dệt biết bao kỳ tích anh hùng đã trở thành huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ sau ngày đất nước thống nhất, Củ Chi lại có thêm nhiều nhân tố mới. Trong đó, thầy giáo Nguyễn Văn Cải, 25 tuổi, là một điển hình.

"Thay vì viết về tôi, anh nên viết về các thầy cô của tôi thì hay hơn” -Cải khiêm tốn nói. Nhưng thầy Lê Đình Hoe – Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi - thì lý giải khác: “Để đạt ước mơ trở thành giáo viên, Cải đã vượt qua hoàn cảnh rất ngặt nghèo trong cuộc sống riêng. Do đó, Cải xứng đáng được bà con ở ấp Lào Táo Trung, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi gọi là một huyền thoại sống”.

Thuở còn thơ... làm mướn và đi học !

Ở ấp Lào Táo Trung, ai cũng biết ngày Cải sinh ra (năm 1977) không lâu là mẹ bị bệnh tâm thần và do không có ba nên không làm được giấy khai sinh. Mãi đến năm 1982, lúc Cải 5 tuổi, một cán bộ tư pháp xã mới tìm cách giúp đỡ làm cho Cải giấy khai sinh để được đi học. Nhưng để có tấm giấy này, phải mất gần 5 năm (!) cho nên khi vào lớp 1, Cải đã 10 tuổi, song vì vóc người nhỏ con nên Cải không mấy ngượng. Bà Hai, người ở cạnh nhà Cải, kể lại: Gia đình Cải quá đỗi nghèo khó, cái chén thì có, còn mọi thứ đều không. Trong những năm Cải học tiểu học và trung học cơ sở, cả nhà Cải không có cơm để ăn, bản thân em phải ăn rau chốc, rau chồn - một thứ cỏ dại mọc tự nhiên trong mùa mưa ở Củ Chi. Cải nói: “ Có nhiều hôm láng giềng cho chén cơm cháy, phải độn thêm khoai mì để nấu đủ cho 3 người ăn”.

Bà con ở ấp Lào Táo Trung cho biết, từ nhỏ Cải đã đi chăn trâu, chăn vịt và bán hàng rong; lớn chút nữa thì đi phụ hồ, cắt lúa, xay lúa, nhổ đậu... Cải làm mọi việc để có tiền nuôi mẹ và chi phí học hành. Với giọng trầm buồn, Cải kể: “Nhớ nhất là những ngày hè đi chăn vịt mướn. Ai cũng biết ở miền Nam mùa hè mưa nhiều, trời hay gầm chuyển. Không ít đêm tôi phải ngủ giữa đồng, quấn mình trong tấm cói. Thấy ngộp quá đành phải ngủ trần, đến khi mưa ướt đẫm cả người mới tỉnh dậy!”. Thầy Lê Văn Vô, giáo viên văn Trường THPT Trung Lập, sinh ra và lớn lên tại địa phương, đã từng dạy ở Trường THPT Quang Trung, tư lự nói với tôi: “Từ nguyên mẫu của đời Cải nếu có nhà văn nào viết tiểu thuyết thì có thể xây dựng được một tác phẩm hay”.

Thầy cô, xã hội cưu mang và chắp cánh

Mùa tựu trường năm học lớp 4, chị Cải khuyên em đừng đi học nữa, ở nhà làm việc kiếm tiền. Không thấy Cải đến lớp, cô Trần Thị Hằng hỏi các bạn vì sao Cải không đi học, trong khi học lớp 3, Cải là người đứng nhất. Thương cậu học trò giỏi, hoàn cảnh quá khó khăn, cô Hằng đã mua tập viết cho Cải đến lớp. Cùng lúc đó, Chi hội Liên hiệp Thanh niên xã Trung Lập Hạ và Huyện đoàn huyện Củ Chi vận động xây nhà cho gia đình Cải. Mái nhà lợp bằng ngói âm dương nhưng kèo cột lại bằng tre trúc. Với Cải và gia đình ngày đó, có được chỗ ở như vậy là hạnh phúc lắm rồi, bởi trước đó nhà Cải là một cái chòi trống hoác...

Năm tháng rồi cũng qua đi, được thầy cô, bà con lối xóm đùm bọc, giúp đỡ, Cải học lên bậc THPT. Thầy Hoe kể lại: “Thấy Cải học giỏi, chúng tôi đến nhà và biết rằng Cải phải thức đêm học dưới ngọn đèn dầu tù mù. Vào thời điểm đó, để có điện của tập đoàn phải đóng tiền, tôi vận động anh em giáo viên gom góp và trực tiếp đứng ra câu điện vào tận nhà Cải”. “Nghĩa cử và công ơn của các thầy cô và bà con ở Lào Táo Trung đến chết tôi cũng không quên được. Tôi cũng không biết làm cách nào để trả cho được ân nghĩa ấy” – Cải nói. Năm 1998, khi thi đậu Trường Đại học Sư phạm và Đại học Luật, Cải tiếp tục được các thầy cô và bà con ở địa phương quan tâm. Vừa đi làm, vừa đi học ở khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM, có lần Cải bị mất chiếc xe đạp, PGS-TS Trần Hữu Tá cùng với khoa đã xét tặng cho Cải một chiếc xe đạp khác. Trong 4 năm học đại học, Cải là Bí thư Đoàn khoa Ngữ văn, Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên trường. Vào thời điểm này, mẹ của Cải lại trở bệnh rất nặng phải điều trị một thời gian khá dài. Cứ tưởng Cải đành phải từ bỏ ước mơ trở thành giáo viên, nhưng các thầy cô ở Củ Chi, Trường Đại học Sư phạm và nhiều bà con ở địa phương đã tận tình giúp đỡ nên những khó khăn từng bước đi qua. Tốt nghiệp đại học năm 2002, Cải được Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi và một số trường khác đề nghị về công tác, nhưng Cải đã nói lời cảm ơn và trở về quê hương Củ Chi - chiếc nôi đã ru đời Cải khôn lớn. Với Cải, đấy là món nợ quê hương cần phải trả, dù cuộc sống ở mảnh đất quê nhà còn không ít khó khăn.

“Tôi đã là con của vạn nhà...”

Củ Chi mùa này nắng lửa, nhưng chiều hôm gặp Cải trời lại có mưa. Thầy Nguyễn Văn Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Lập, nguyên là trợ lý Thanh niên Trường THPT Quang Trung, nâng cốc trà đá nói với tôi: “Ngay từ khi vào học lớp 10, Cải được cử làm Bí thư Đoàn trường. Tất nhiên được cả cộng đồng cưu mang nhưng quyết định vẫn là của chính em. Em có khiếu tập hợp quần chúng và thuyết phục được người khác”. Thầy Hoe nói: “Khi Cải về nhận công tác ở trường, tôi đã phân công dạy hai lớp 11, về chuyên môn có thể khẳng định là khá dù kinh nghiệm chưa nhiều. Cùng lúc đó, Cải đảm nhiệm luôn chức vụ trợ lý thanh niên.  Ban giám hiệu và chi bộ nhà trường tin vào bản lĩnh và khả năng của Cải. Có một điều đáng tiếc là Cải đã được xếp vào diện đối tượng Đảng ngay khi còn đang học đại học, nhưng khi về trường thì vẫn phải có thời gian bồi dưỡng mới kết nạp vào Đảng được.

Nhiều giáo viên ở Trường THPT Quang Trung nói rằng, trong chức trách là trợ lý thanh niên, Cải đã tạo ra sức bật mới trong công tác Đoàn, Hội. Cải thành lập Chi hội Khuyến học để huy động các nguồn lực giúp đỡ cho hơn 150 em có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua đã cấp 153 suất học bổng với kinh phí 80 triệu đồng. Một tủ sách được thành lập và đặc biệt là một câu lạc bộ cựu học sinh ra đời có nhiệm vụ giúp đỡ các em hiện đang học tại trường. Trong những ngày này, để giúp các em sắp tốt nghiệp THPT, với đề xuất của Cải, Ban Giám hiệu trường đã tổ chức nhiều cuộc tư vấn về tuyển sinh, hướng nghiệp. Từ khi Cải về trường, hoạt động của Chi đoàn giáo viên cũng khác hẳn, công tác chuyên môn và giáo dục đạo đức, truyền thống được quan tâm hơn...

Trú mưa chiều trong căn nhà của thầy Lê Văn Vô, tôi hỏi Cải, giờ đã tạm ổn chưa ? Cải trả lời rằng còn nhiều việc phải lo. Mới đây, Cải đã sắp xếp ổn thỏa chuyện chồng con cho chị gái sau nhiều năm chị phải sống đơn chiếc. Đi trên đường Xuyên Á rộng thênh, dưới ánh đèn đường lung linh sáng, tôi chợt nhớ hai câu thơ mà tác giả tôi quên: “Hoa cải nhà ai vàng mấy độ/Cho vầng trăng khuyết cứ lung lay”. Và tôi mong hoa cải nhà thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Cải rực vàng với niềm vui mới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo