Dư luận đã từng phê phán Đã một thời, dư luận phụ huynh phê phán kịch liệt việc mở “lớp chọn” vì nó gây ra việc học lệch, không toàn diện, phản khoa học. Đã gọi là “lớp chọn” tức không nhận học sinh rộng rãi mà chỉ tuyển hạn chế theo một chuẩn riêng do nhà trường quy định. Trong nhà trường, có học sinh được học “lớp chọn”, có học sinh không được học, tạo ra sự không bình đẳng trong học tập giữa các em. Nhưng đó mới ở phạm vi quy mô “lớp”, hiện nay đã xuất hiện khái niệm “trường điểm” với cách chọn học sinh bằng việc gạt học sinh dưới “điểm chuẩn”. “Trường điểm” đã trở thành “điểm nóng” cứ vào mùa tuyển sinh đầu cấp, gây không ít lo âu, căng thẳng cho nhiều bậc phụ huynh và cả nhà trường. Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đã phê phán việc làm này và chủ trương: “...Không tổ chức lớp chọn ở các cấp học. Không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao...”. T.N.T
- Tiến sĩ Dương Thiệu Tống: Khi tuyển sinh, trường điểm đặt ra “điểm chuẩn” để chỉ chọn học sinh giỏi gây ra ở nhiều phụ huynh tâm lý con mình có giỏi mới được vào, mà khi đã được vào rồi thì con mình ắt hẳn sẽ “hơn người”. Từ đó, phụ huynh nào cũng muốn con mình được vào học trường điểm.
. Nhưng có ý kiến giải thích do quá đông học sinh xin vào nên mới đặt ra “điểm chuẩn”?
- Quy định “điểm chuẩn” tự nhiên đã tạo ra sự bất công hết sức vô lý so với các trường bình thường khác. Chưa kể các bất công khác về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... Vấn đề đặt ra là việc gì phải chọn học sinh giỏi? Thế nào là học sinh giỏi ? Có gì bảo đảm rằng học sinh giỏi lúc 10, 11 tuổi cũng sẽ tiếp tục giỏi ở cấp học cao hơn ? Ngược lại, một trường học tuyển chọn học sinh kém hay trung bình để rồi đào tạo chúng trở thành học sinh giỏi thì có thật sự xứng đáng được gọi là “trường điểm” không ?
. Vậy thì nên hiểu như thế nào về “trường điểm” ?
- Theo tôi, hãy để cho các trường phấn đấu, tạo uy tín cho chính trường mình, từ đó được phụ huynh tin tưởng gởi con vào, chứ không phải tự đặt ra trường điểm. Có ý kiến nói mở trường điểm để chọn nhân tài. Tôi xin nói nhân tài phần lớn nằm ở các trường bình thường kia! Ở nước ta, cũng như trên thế giới, phần nhiều các nhân tài đâu có phải xuất thân từ các “trường điểm” hay “trường đặc biệt” mà từ những trường bình thường, thậm chí có người vốn là những học sinh kém lúc còn đi học ở tiểu học hay trung học. Ở nước ngoài, nếu HS là thần đồng thật sự, điều này phải được xác nhận bởi các chuyên gia giáo dục và tâm lý, sau đó có chương trình đào tạo riêng cho chúng chứ không chỉ căn cứ vào điểm số mấy môn học hay môn thi như ở ta. Hãy để cho mỗi trường tự tạo lấy uy tín cho mình và gây niềm tin tưởng của các bậc phụ huynh.
. Giải pháp căn cơ nhất để xóa việc “chạy” trường điểm là gì?
- Giải pháp xóa việc “chạy” trường điểm, theo tôi, là bỏ hẳn “trường điểm” đi và mở nhiều trường ở khắp mọi nơi, đồng thời cố gắng tăng cường chất lượng giáo dục bằng nhau giữa các trường. Không nên gieo óc kỳ thị ở con người ngay khi họ còn cắp sách đến trường.
. Cám ơn ông.
Bình luận (0)