Theo phân cấp hiện thời: CĐ ngành giáo dục TP trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động của CĐ cơ sở tại các trường trung học phổ thông (kể cả các trung tâm giáo dục trực thuộc TP), còn CĐ giáo dục quận, huyện quản lý CĐ cơ sở các trường (từ bậc mầm non đến trung học cơ sở) và được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của LĐLĐ quận, huyện. Sự phân cấp này được hiểu theo nghĩa: CĐ giáo dục quận, huyện được xem như là một CĐ cấp trên cơ sở trực thuộc LĐLĐ quận, huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo ngành dọc (về chuyên môn ngành nghề, điều động cán bộ, tuyển dụng, nâng ngạch bậc..) của CĐ giáo dục TP.
Nhiều cán bộ CĐ giáo dục quận, huyện nhìn nhận: Việc phân cấp quản lý trên đã vô tình đẩy CĐ giáo dục quận, huyện vào tình thế khá tế nhị, đó là chịu “lãnh đạo song trùng” của CĐ ngành và LĐLĐ quận, huyện. Đây cũng là lý do khiến hầu hết CĐ giáo dục các quận, huyện gặp không ít khó khăn khi triển khai các hoạt động phong trào. Ông Trương Minh Châu, Chủ tịch CĐ ngành giáo dục Gò Vấp - TPHCM, nêu thực tế: Khi tham gia các công tác xã hội và hoạt động văn-thể-mỹ, kinh phí luôn là bài toán khó nếu như phải hưởng ứng cùng một lúc hai nơi. Về công tác tổ chức cán bộ, ông Nguyễn Chương Hứa, Chủ tịch CĐ ngành giáo dục TPHCM, bức xúc: Khi quận, huyện thay đổi nhân sự, CĐ ngành giáo dục TP ít được tham khảo ý kiến, có tình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Mục đích của việc phân cấp chỉ đạo rất rõ, song theo ông Nguyễn Đình Vượng, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 9, TPHCM, trong thực tế việc đánh giá các mặt hoạt động cơ sở nhiều năm qua được “khoán trắng” cho CĐ giáo dục quận, huyện khiến LĐLĐ quận, huyện khó có thể chia sẻ trách nhiệm với tư cách CĐ cấp trên.
Không bàn giao CĐ trường học về CĐ phường
Gần đây lại phát sinh vấn đề mới trong quản lý CĐ cơ sở. Theo chủ trương chung của Thành ủy, một số Đảng ủy các phòng giáo dục – đào tạo quận, huyện đã giải thể, chi bộ Đảng tại các trường sẽ chuyển sinh hoạt về phường. Với nguyên tắc “Đảng ở đâu, CĐ ở đó” thì hoạt động CĐ ở trường học mặc nhiên được bàn giao cho CĐ các phường. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh - TPHCM, nói: Nếu thực hiện theo chủ trương trên sẽ có bất hợp lý. CĐ phường thực chất chỉ là cấp CĐ cơ sở do LĐLĐ quận, huyện quản lý. Quan hệ giữa CĐ phường và CĐ trường học là quan hệ đồng cấp, CĐ phường không thể chỉ đạo CĐ cơ sở các trường học, đó là chưa kể ngành giáo dục còn có đặc thù riêng. Nhiều ý kiến khẳng định: Chỉ có CĐ ngành mới có thể đánh giá thực chất hoạt động của CĐ cơ sở trường học về chuyên môn.
Quan hệ chính – phụ trong chỉ đạo
Do đó, xác lập một mô hình quản lý phù hợp, làm rõ quan hệ chỉ đạo cơ sở giữa CĐ giáo dục TP và LĐLĐ quận, huyện là một việc làm cấp bách. Cuối tháng 5-2002, LĐLĐ TPHCM hoàn tất quy chế tạm thời, trong đó quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên ở. Theo đó, đối với các mặt công tác thuộc phạm vi CĐ ngành chỉ đạo trực tiếp thì LĐLĐ quận, huyện phối hợp chỉ đạo và ngược lại. Mô hình này được nhiều ý kiến tán thành và hy vọng sẽ gỡ dần vướng mắc. Điều quan trọng, theo Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Thị Là: CĐ ngành giáo dục TP và LĐLĐ các quận, huyện phải xác định cộng đồng trách nhiệm để xây dựng phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ ngày càng hiệu quả hơn.
Bình luận (0)