Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát thực tiễn, góp phần vào công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, qua đó huy động được các nguồn lực trong nhân dân phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19.
Lắng nghe dân
Ông Võ Thanh An - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi - cho biết trong năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ đạo hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Theo đó, các cấp chính quyền cụ thể hóa việc triển khai thực hiện quy chế này gắn với công tác dân vận chính quyền. Các cơ quan hành chính nhà nước gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện cải cách hành chính, xây dựng và thực hiện chính quyền điện tử; tăng cường công tác đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp… Nhờ đó, kịp thời giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Xã Bình Minh, huyện Bình Sơn là một trong những nơi đã thực hiện quy chế dân chủ cơ sở khá tốt khi có nhiều cách giải quyết kiến nghị của người dân thấu tình đạt lý.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (bìa trái), lắng nghe kiến nghị về vấn đề ô nhiễm môi trường của người dân xung quanh một nhà máy
Để làm được việc này, Đảng ủy xã Bình Minh đã thành lập Tổ công tác ngày thứ 4 cơ sở. Cụ thể, vào ngày thứ 4 của tuần đầu tiên và tuần thứ 3 hằng tháng, các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Bình Minh và các thành viên tổ công tác luân phiên đi cơ sở. Qua đó, sớm nắm bắt thông tin, phản ánh và báo cáo cho Ban Chấp hành Đảng bộ kịp thời giải quyết các ý kiến chính đáng của nhân dân.
"Nhờ phương châm luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu nên sau khi có ý kiến, kiến nghị chính đáng của người dân thì Đảng ủy chỉ đạo trực tiếp UBND xã thực hiện. Chúng tôi thấy tinh thần dân chủ của người dân rất lớn. Vận dụng tốt thì phát huy được vai trò dân chủ của người dân trong việc xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương" - ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bình Minh, nói.
Huyện Nghĩa Hành - huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi - là địa phương thực hiện thành công trong phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, xuất phát từ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Khắp các xã tại huyện Nghĩa Hành, người dân chung tay góp sức trồng, chăm sóc các tuyến đường hoa; đóng góp tiền, ngày công để lắp đặt bóng đèn thắp sáng các tuyến đường trong thôn xóm… Người dân luôn sẵn sàng chung tay khi mọi việc công khai, "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
"Công khai, minh bạch thì bà con tin tưởng, thống nhất, đồng tình. Cái gì mà "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" là người dân thích, chứ làm mà úp mở, bà con không thống nhất, đương nhiên là không thành" - ông Huỳnh Lúa, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nghĩa Hành, đúc kết.
Gắn với chuyên môn
Ngoài chú trọng thực hiện lắng nghe người dân, công tác thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Quảng Ngãi còn gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu về thực hành dân chủ và phát huy dân chủ tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cụ thể, năm 2021, Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa các bí thư cấp ủy với nhân dân, đạt nhiều kết quả. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy đã đối thoại với đại diện cán bộ Đoàn, đoàn viên, hội viên, thanh niên, phụ nữ trên địa bàn; đối thoại với cán bộ, người dân huyện đảo Lý Sơn để lắng nghe và chỉ đạo giải quyết tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân sau khi chính quyền một cấp ở đây đi vào hoạt động. Bí thư của 13/13 huyện ủy, thị ủy, thành ủy tổ chức 36 cuộc đối thoại tại 23 xã, phường, thị trấn; bí thư của 124/173 xã, phường, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân tại 197 thôn, tổ dân phố…
Qua đối thoại, bí thư cấp ủy các cấp đã kịp thời ban hành thông báo kết luận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan giải quyết 80% phản ánh, kiến nghị của nhân dân.
Ông Võ Thanh An cho biết trong năm 2021, công tác thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gắn với "Dân vận khéo" của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần cùng tỉnh thực hiện 2 mục tiêu song hành là vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 945 mô hình "Dân vận khéo" được triển khai thực hiện ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong năm 2021. Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp các cơ quan, đơn vị nhân rộng 495 mô hình hiệu quả. Qua đó, huy động được nguồn lực xã hội cho công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm cho người dân, lực lượng tuyến đầu…
"Năm 2022, công tác dân vận gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân sẽ được tỉnh tiếp tục thực hiện theo phương châm "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin". Tập trung cụ thể vào việc nghiên cứu, tham mưu cấp ủy đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường nắm bắt tình hình người dân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và thiên tai để triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước" - ông Võ Thanh An thông tin.
Thành công nhờ "Dân vận khéo"
"Từ thực tế những mô hình "Dân vận khéo" thành công ở cơ sở, cho thấy nơi nào thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở thì công tác "Dân vận khéo" sẽ thành công. Hy vọng phong trào thi đua thực hiện "Dân vận khéo" gắn với dân chủ cơ sở của tỉnh Quảng Ngãi sẽ đạt được nhiều kết quả hơn nữa, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền các cấp thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đã đề ra" - ông Võ Thanh An nhấn mạnh.
Bình luận (0)