1. Không có hồ sơ gốc lưu ở Sở GD-ĐT; 2. Nhờ người thi giùm; 3. Mua bằng giả; 4. Bằng không có chữ ký; 5. Bằng không đóng dấu nổi; 6. Tẩy xóa sửa tên; 7. Mượn bằng đi học sư phạm; 8. Bản sao không công chứng; 9. Đã khai có bằng nhưng không có; 10. Sai năm sinh: 11. Bằng không có ảnh; 12. Không đi học cấp 3 nhưng lại có bằng cấp 3; 13. Không có bằng cấp 2, 3 lại có bằng đại học; 14. Tốt nghiệp đại học trước khi có bằng cấp 3; 15. Bằng không có số.
42 cán bộ chủ chốt của tỉnh theo lớp này và cũng từ lớp này nhiều người đã có bằng đại học, cao học. Tuy nhiên, cũng có trường không chấp nhận cách học lạ lùng trên, đó là Trường Đại học Luật Hà Nội. Trường này đã trả lại 42 hồ sơ vì bằng cấp “hệ bồi dưỡng”.
15 dạng sai phạm về VBCC tại Cà Mau
Không bằng cấp 2 - 3 vẫn có bằng đại học !
Lúc phát hiện ông Nguyễn Minh Điểu, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, mua bằng cấp 3, Thường vụ Huyện ủy xử lý nội bộ bằng cách “rút chân” ông Điểu ra khỏi cấp ủy, giữ chức chính quyền. Bước ra khỏi cuộc họp, ông Điểu nhấn mạnh: “Tôi sử dụng bằng cấp 3 bất hợp pháp, tôi chịu kỷ luật nhưng xin thưa còn bao nhiêu đồng chí cấp ủy huyện sử dụng bằng giả như tôi?”. Cận kề huyện U Minh, huyện Thới Bình, ông Nguyễn Minh Hưởng, Chủ tịch UBND huyện, không biết bằng cách nào chạy được vào đại học y khoa rồi lên “như diều gặp gió”. Từ giám đốc Trung tâm Y tế huyện, ông được đề bạt giữ chức chủ tịch huyện. Về bằng cấp, ông Hưởng không có bằng cấp 2và bằng cấp 3, thế mà trong bản lý lịch ghi là học vấn bậc đại học. Ông Dương Thành Bê, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, cũng có bằng đại học nhưng không có bằng cấp 2, cấp 3...
Trường hợp ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng Phòng Công chứng số 1, trong tờ giải trình về việc không có bằng cấp 2, 3 ghi: “... Trong thời gian làm việc, tôi dự học bổ túc văn hóa chưa thi được tốt nghiệp thì được cử đi học đại học luật Cần Thơ. Lớp đại học này mở ưu tiên đào tạo cho cán bộ ngành pháp luật các tỉnh phía Nam nên được miễn thi đầu vào...”. Có lẽ nhờ vậy mà tuy chưa có bằng cấp 3, hiện nay ông Trung đang được theo học cao học luật tại TPHCM.
“Tôi đã theo học “lớp học tình thương” nhưng không thi lấy bằng”
Ông Nguyễn Minh Chánh, Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, kể: Khi còn làm tổng biên tập Báo Minh Hải, tôi được cử đi học chương trình cấp 3 do Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang phối hợp với tỉnh Minh Hải tổ chức, nhằm “trung học hóa” cán bộ đầu ngành cấp tỉnh và cấp huyện của tỉnh Minh Hải lúc đó”. Ngay trong ngày khai giảng, ông Chánh được hứa hẹn “có học có đậu”, mặc dù toàn bộ chương trình cấp 3 chỉ học trong vòng... 3 tháng! Ông Chánh kể tiếp: Những ngày đầu, ông còn hiểu bài, thuộc bài nhưng càng về sau, chương trình càng khó, thầy lại dạy quá nhanh nên không ai tiếp thu nổi. Sau 3 tháng học cho “có lệ”, các thầy giáo bắt đầu cho ôn thi. Khi đó, ông Chánh thấy mình không nắm được bao nhiêu kiến thức trong chương trình cấp 3, nên xin ý kiến chi bộ cho... không tham gia thi lấy bằng. Biết được tin này nhiều người khuyên ông Chánh: “Ai cũng đi thi lấy bằng, tội gì mình không thi? Vả lại, đây là “lớp học tình thương” dành cho cán bộ lãnh đạo, có phải ai cũng được đi học cả đâu?”... Nhưng ông Chánh vẫn quyết không thi lấy bằng trung học bổ túc văn hóa vì tự thấy mình không xứng đáng nhận một cái bằng như vậy...
Xử lý rất nghiêm minh
Chuyện kiểm tra bằng đã khó nhưng chuyện xử lý lại càng khó hơn. Tuy vậy, phải công nhận rằng tỉnh Cà Mau đã hết sức quyết liệt để xử lý nạn bằng giả. Sở GD-ĐT buộc thôi việc 73 trường hợp gian lận bằng. Công an Cà Mau phát hiện 16 sĩ quan sử dụng bằng trung học phổ thông, bổ túc văn hóa bất hợp pháp và đã xử lý kỷ luật các hình thức. Sở Tư pháp phát hiện 16 trường hợp sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp, đã buộc thôi việc 3 cán bộ thi hành án. Sở Thương mại Du lịch có 17 trường hợp và 20 đơn vị khác của tỉnh có cán bộ, công chức sử dụng văn bằng chứng chỉ bất hợp pháp cũng đã có hình thức kỷ luật kiểm điểm nội bộ.
Cuộc chiến đấu chống bằng giả của Cà Mau đã ghi được một điểm son trong đời sống chính trị xã hội cả nước.
(*) Xem Báo NLĐ từ số 2708, ra ngày 3-6
Ông Võ Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:
Cán bộ công chức sử dụng VBCC không hợp pháp phải kiểm điểm xử lý tại đơn vị công tác
. Phóng viên: Dư luận cho rằng tỉnh Cà Mau đã tổ chức khá nghiêm túc việc kiểm tra văn bằng chứng chỉ (VBCC) trong cán bộ, công chức (CBCC), ông có thể cho biết lý do của việc làm này?
- Ông Võ Thanh Bình: Ngày 30-6-1999, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có Chỉ thị số 29 về việc tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, cấp phát, sử dụng các loại VBCC của hệ thống giáo dục quốc dân. Tiếp sau đó ngày 11-9-2000, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 832 yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “tiếp tục mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra, thanh tra về VBCC, tổng hợp phân tích các kết quả kiểm tra làm rõ phạm vi tính chất các sai phạm. Đề xuất các biện pháp quản lý, các hình thức xử lý thích hợp...”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định thành lập ban chỉ đạo kiểm tra, thanh tra việc quản lý cấp phát VBCC do đồng chí phó chủ tịch làm trưởng ban và đã thực hiện từ năm 2000 đến nay chưa kết thúc.
. Hướng xử lý thế nào?
- Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã ban hành Thông tư số 22 ngày 23-4-2002 “Hướng dẫn việc xử lý CBCC, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm việc cấp phát và sử dụng VBCC không hợp pháp”. Thực hiện theo tinh thần của thông tư này, tùy mức độ, trường hợp vi phạm cụ thể sẽ được áp dụng sáu hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc. Hướng dẫn nói rất rõ mỗi trường hợp sai phạm cụ thể được áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng. Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau có quy định thêm những CBCC khi bị kỷ luật phải khắc phục bằng cách học lại, thi lấy bằng cấp 3 hệ bổ túc sau hai năm.
. Có ý kiến cho rằng việc kiểm tra cho có và những trường hợp bị phát hiện chỉ bị xử lý nội bộ?
- Căn cứ theo Thông tư số 22 nói trên thì CBCC nào có sai phạm sử dụng VBCC không hợp pháp phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật tại đơn vị công tác.
Đ.VĂN
Bình luận (0)