Đổ hết lỗi cho nhân viên bảo vệ
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Chiều phủ nhận việc điện đến cơ quan công an bênh vực cho cho ông Liu Chang Sang, cũng như bày tỏ ý kiến của mình trước vấn đề đề này. Ông Chiều thừa nhận có trao đổi với LĐLĐ tỉnh Long An về quan điểm của ông trong vụ này mà thôi. Trong cuộc trao đổi đó, ông Chiều cho rằng các bảo vệ trực tiếp quật ngã, làm đứt nút áo, kéo lê chị Thành vứt ra cổng là không thể chấp nhận được. Làm như vậy là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ. Vì vậy, họ phải chịu trách nhiệm chính trước pháp luật. Bởi vì, nếu thật sự ông Liu có lệnh cho họ phải làm như vậy thì họ phải từ chối, tìm cách ngăn cản dùng sức mạnh đối với phụ nữ, vì chị Thành không có biểu hiện manh động hoặc phá hoại công ty. Song, theo ông Chiều, trong vụ này cũng không loại trừ khả năng ông Liu chỉ yêu cầu bảo vệ mời chị Thành đi chỗ khác nhưng họ thừa cơ lợi dụng sức mạnh để thị uy.
Không phúc tra do công nhân không khiếu nại (!)
Trả lời câu hỏi vì sao không tiến hành phúc tra đúng hạn định nhằm mục đích ngăn cản các hành vi vi phạm pháp luật của Tổng Giám đốc Liu Chang Sang, ông Chiều nói: “Mặc dù thời hạn ấn định phúc tra là ngày 30-6, nhưng từ đó đến nay, công nhân không có khiếu nại hoặc xảy ra tranh chấp lao động thì không nhất thiết phải phúc tra, gây ảnh hưởng đến công việc sản xuất kinh doanh của công ty. Không có khiếu nại của công nhân xung quanh 18 điểm mà Đoàn Thanh tra yêu cầu phải khắc phục, có nghĩa là Công ty Rehang đã thực hiện tốt Luật Lao động. Lý do thứ hai chưa tiến hành phúc tra là do phải chờ cuộc họp liên ngành (theo yêu cầu của UBND tỉnh Long An) giải quyết một số vấn đề liên quan đến hoạt động CĐ mà Tổng Giám đốc Công ty Rehang đã kiến nghị”. Ông Chiều nói thêm: “Việc Công ty Rehang vi phạm Luật CĐ, có dấu hiệu vô hiệu hóa hoạt động của tổ chức này tại công ty là trách nhiệm đấu tranh của LĐLĐ cấp trên, cấp trên nữa, chớ không phải chức năng của Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An”.
Thế nhưng, khi chúng tôi đưa ra một trường hợp tranh chấp lao động diễn ra trong tháng 8-2003 thì ông Chiều bảo không nhận được khiếu nại. Đó là trường hợp CN Nguyễn Thị Bích Kim bị ông Liu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, mời hai công an viên xã Nhựt Chánh đến hù dọa bắt bớ đã được LĐLĐ huyện đấu tranh làm sáng tỏ (hai công an này đã bị chính quyền xã xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo, vì họ thừa nhận có nhận quà cáp của Công ty Rehang để làm việc đó). Hơn nữa, ngày 8-8, LĐLĐ có văn bản gởi Sở LĐ-TB-XH Long An đề nghị Đoàn Thanh tra do ông Chiều làm trưởng đoàn khẩn trương phúc tra Công ty Rehang, nhưng không thấy hồi âm. Như vậy, việc ông Chiều viện lý do không có khiếu nại, tranh chấp lao động ở Công ty Rehang là không hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Lý, Chủ tịch LĐLĐ huyện Bến Lức, cũng bức xúc: “Chính việc không phúc tra dẫn đến việc cô lập, vô hiệu hóa tổ chức CĐ chẳng những không giảm mà còn diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Tính chất phức tạp trong vấn đề này đều diễn ra sau ngày 30-6-2003, đó có phải là hậu quả việc buông lỏng phúc tra, giám sát?”.
NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM NÓI |
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Chiến:
Không chấp nhận chủ DN muốn làm gì thì làm
Cho đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa nhận được báo cáo chính thức nào của LĐLĐ tỉnh Long An về vụ việc này. Quan điểm của Tổng LĐLĐ là nếu doanh nghiệp (DN) có vi phạm thì phải xử lý. Khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý nghiêm theo pháp luật Việt Nam. Nếu vi phạm nặng thì có thể đề nghị trục xuất. Không thể chấp nhận chuyện chủ DN muốn làm gì thì làm, cho dù họ là người nước nào. Đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp vi phạm đối với một cán bộ CĐ, vì thế lãnh đạo Tổng LĐLĐ đã có ý kiến chỉ đạo các phòng ban chức năng của Tổng LĐLĐ phối hợp với LĐLĐ địa phương khẩn trương làm rõ, cùng với cơ quan pháp luật xử lý.
Trưởng Ban Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Hòa Bình:
14-9, tôi sẽ vào để kiểm tra và phối hợp giải quyết
Chúng tôi có theo dõi thông tin vụ việc trên Báo Người Lao Động và đã trao đổi điện thoại với LĐLĐ tỉnh Long An. Nếu vụ việc kéo dài, không giải quyết được thì Tổng LĐLĐ sẽ có ý kiến chính thức. Đây là vụ việc có tính chất điển hình, tuy nhiên việc xử lý phải theo trình tự pháp luật quy định. Dự kiến, ngày chủ nhật (14-9) tôi sẽ vào Long An để kiểm tra và phối hợp với LĐLĐ và các cơ quan chức năng địa phương giải quyết vụ việc.
Ý KIẾN NGƯỜI DÂN
Đào Phúc (57/647 Nguyễn Oanh, P.17, Q. Gò Vấp - TPHCM):
Hoan nghênh cán bộ CĐ trung kiên
Ngoài việc ngăn cản việc thành lập CĐ tại Công ty Rehang Vietnam Stainless, chống lại sự hoạt động hợp pháp của tổ chức CĐ ở đây, ông Liu còn dám công nhiên làm nhục cán bộ CĐ mà đặc biệt nghiêm trọng là hành vi quật ngã, bứt nút áo, phơi ngực trần và kéo lê chị Nguyễn Kim Thành ngay giữa ban ngày là việc làm phải bị trừng trị thật nghiêm khắc. Những bảo vệ nhận mệnh lệnh của ông Liu cũng phải bị trừng phạt thật nghiêm khắc về tội chà đạp nhân phẩm, xúc phạm thân thể con người bằng hành vi côn đồ của chúng. Nếu những người bảo vệ ấy là người VN thì đó là những kẻ táng tận lương tâm, không còn biết đạo lý của người VN, nghĩa đồng bào của dân tộc ta là gì.
Công nhân ta cần việc làm để sinh sống, họ bán sức lao động để kiếm tiền (mà đồng lương còn rất ít) họ cần được sự bảo vệ của các tổ chức CĐ, Đoàn thanh niên, phụ nữ... và chính quyền các cấp. Họ phải được tôn trọng về nhân phẩm, quyền tự do chính đáng trong khuôn khổ pháp luật. Không ai vì bất cứ lý do gì, được phép xúc phạm đến họ.
Tôi xin được hoan nghênh các cán bộ CĐ kiên trung tại Công ty Rehang Vietnam Stainless, các tổ chức CĐ cấp trên của họ và Báo Người Lao Động trong việc đấu tranh kiên quyết, đưa ra ánh sáng công luận sự việc nghiêm trọng này.
PHẠM NGỌC PHÚC (190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 - TPHCM):
Bán linh hồn cho chủ, hạ nhục công nhân
Thì ra các anh bảo vệ là những người Việt Nam, đang sống trên đất nước Việt Nam và đã nhận lệnh của ông chủ nước ngoài để hành hạ người Việt Nam mà người đó là người được tập thể lao động bầu ra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động tại đơn vị. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Truyền thống ấy, đạo lý ấy các anh bán cho ông chủ Liu Chang Sang giá bao nhiêu ? Hạ nhục một người phụ nữ, người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho tập thể lao động, trong đó có quyền và lợi ích của các anh, các anh có thấy vui không ? Lương tâm của các anh có khi nào cắn rứt sau việc làm ấy không ? Nếu được ông chủ Liu thưởng, các anh nghĩ gì về những đồng tiền ấy ? Người thân của các anh nghĩ gì khi biết những đồng tiền ấy từ đâu mà có? Ông chủ Liu của các anh và các anh sẽ có pháp luật xử lý. Nhưng các anh hãy tự nhìn lại mình để những tháng ngày dài còn lại xứng đáng là những người Việt Nam chân chính. Mong thay !
Bình luận (0)