Quyết định 2089/QĐ-UBND được ban hành năm 2020 của UBND TP Đà Nẵng quy định nhà có diện tích đất nhỏ hơn 25 m2 hoặc từ 25 - 45 m2 chỉ được cải tạo nguyên trạng, không được phép nâng tầng. Điều này khiến khoảng 15.000 nhà đất (tương đương 15.000 hộ) và hàng chục ngàn người dân tại 2 quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê phải sống chen chúc, khổ sở vì nhà chật hẹp.
Có tiền cũng không xây được nhà
Căn nhà tại hẻm số 233 Trưng Nữ Vương (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) có chiều ngang 2,6 m, diện tích khoảng 30 m2. Với kết cấu tầng trệt kèm gác lửng, đây là nơi sống của 5 người trong gia đình bà N.T.T (SN 1965). Trưa 29-8, vừa ăn cơm xong, bà T. nhanh chóng lau chùi sàn nhà rồi trải chiếu ngay tại chỗ để chồng và cháu gái nghỉ trưa.
Căn nhà siêu nhỏ của ông Mai Văn Dục (hẻm 569 Hoàng Diệu) là một trong hàng ngàn ngôi nhà vướng cơ chế, không thể nâng tầng
Theo bà T., căn nhà trên được xây dựng đã gần 20 năm. Theo thời gian, nhân khẩu ngày càng tăng mà nhà ở thì xuống cấp, dột nát.
Họ hàng ngỏ ý ủng hộ tiền tân trang lại thành nhà 3 tầng lầu. Tuy nhiên, bà T. không xin được giấy phép vì chiều ngang thửa đất chưa đến 3 m. "Theo Quyết định 2089, nhà tôi chỉ được phép xây tối đa 2 tầng nhưng với tổng diện tích cũng không tăng lên là bao. Mà mỗi lần xây là một lần khó, nên cả nhà quyết định chờ cơ chế tháo gỡ của thành phố" - bà T. trăn trở.
Cách đó không xa, nhà ông Mai Văn Dục lọt thỏm trong con hẻm số 569 Hoàng Diệu (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu). Căn nhà 35 m2 được xây dựng từ khi vợ chồng ông Dục mới cưới, nay đã có 3 người con, 3 đứa cháu.
Thấy nhà đông con, ông Dục xây thêm một gác lửng bằng gỗ làm phòng ngủ của đại gia đình. Riêng ông đành ngủ dưới tầng trệt vì… hết chỗ.
Nhà chật đến nỗi vợ chồng ông Dục phải thuê thêm một ki-ốt phía đối diện để làm nơi nấu nướng. Hằng ngày, gia đình nấu nướng rồi ăn bên nhà thuê, chỉ khi ngủ mới về lại nhà chính.
Không chỉ chật chội, những căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn, nhất là mùa cao điểm nắng nóng. "Chỉ mong thành phố cho xây thêm 1 tầng lầu để con cháu có chỗ ăn, chỗ ngủ đàng hoàng" - ông Dục tha thiết.
Đề xuất cho phép được nâng tầng
Theo quy định về quản lý kiến trúc khu vực trung tâm thành phố ban hành kèm theo Quyết định 2089, các trường hợp như nhà bà T., ông Dục chỉ được phép cải tạo nguyên trạng, không được nâng tầng và khi giải tỏa đền bù thì được giải quyết đi hẳn.
Tuy nhiên, chủ các thửa đất nêu trên đều có nguyện vọng nâng tầng với quy mô 2-4 tầng để giải quyết nhu cầu chỗ ở, sinh hoạt hằng ngày. Thống kê sơ bộ, chỉ riêng quận Hải Châu đã có 7.500 lô đất có diện tích nhỏ hơn 45 m2 và tất cả đều có "sổ đỏ".
Đem những bức xúc kể trên của người dân nêu ra tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng tổ chức vừa qua, đại biểu Vũ Quang Hùng - Bí thư Quận ủy Hải Châu - kiến nghị với HĐND TP Đà Nẵng theo hướng đối với những lô đất như trên được phép xây dựng có quy mô về số tầng và chiều cao không vượt quá quy mô của các công trình nhà ở riêng lẻ lân cận, trên cơ sở bảo đảm mỹ quan chung tại khu vực.
Căn nhà 30 m2 của bà T. (hẻm 233 Trưng Nữ Vương) đang mỏi mòn chờ được nâng tầng
Trả lời tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - cho rằng liên quan vấn đề này còn có một số bất cập từ lịch sử phát triển đô thị, quá khứ để lại về tách thửa khu vực trung tâm. Do trước đây cho phép việc tách thửa quá nhỏ nên hình thành các khu nhà có diện tích nhỏ hẹp như trên.
Tuy nhiên, quan điểm của Sở Xây dựng là hoàn toàn ủng hộ việc cho phép những trường hợp như trên được sửa nhà, nâng tầng vì đây cũng là cách để thành phố tạo dựng lại cảnh quan, bộ mặt của kiệt, hẻm.
"Về lĩnh vực đất đai, hiện nay Đà Nẵng quy định diện tích đất ở còn lại nhỏ hơn 30 m2 và chiều rộng thửa đất nhỏ hơn 2,5 m đối với khu vực 2 quận Hải Châu, Thanh Khê thì phải đền bù, thu hồi. Tuy nhiên, xét thấy số lượng đất rất lớn và đây lại là khu vực trung tâm nên Sở Xây dựng rất ủng hộ về định hướng cho phép tồn tại, làm sao để xây dựng bảo đảm cảnh quan" - ông Phong khẳng định.
Ông Phùng Phú Phong cho biết thêm sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đang triển khai làm quy hoạch phân khu, dự kiến phê duyệt vào cuối năm 2022. Khi đó, Sở Xây dựng sẽ lồng ghép nội dung này vào để làm cơ sở cho phép triển khai.
Nghiên cứu giải pháp để cấp phép xây dựng
Mới đây, ông Đinh Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, ký Công văn số 5603 đề nghị UBND các quận nghiên cứu những giải pháp liên quan về quy hoạch, cấp phép xây dựng nhà ở đối với các thửa đất nhỏ dưới 45 m2 trên các tuyến đường và kiệt, hẻm trong khu đô thị.
Các giải pháp phải phù hợp thực trạng tại địa phương, theo hướng tạo thuận lợi cho người dân về nhu cầu chỗ ở và bảo đảm mỹ quan, hài hòa với cảnh quan chung. Đồng thời, đề xuất nội dung điều chỉnh trong quy định quản lý kèm theo Quyết định 2089 và quy định lộ giới kiệt, hẻm trên địa bàn các quận gửi về sở để tổng hợp, báo cáo UBND TP Đà Nẵng.
Bình luận (0)