Đó là tuyên bố của các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Cambridge (Anh). Theo họ, lời giải đang được voi, cá voi và "sứa bất tử" nắm giữ.
Những động vật này không chỉ có tuổi thọ cao mà còn gần như "miễn nhiễm" với ung thư. Chìa khóa của chúng dường như nằm ở khả năng tự chỉnh sửa những tổn hại trong ADN. Nhóm khoa học gia nói trên đang nghiên cứu để tái tạo những khả năng này và "chuyển" cho con người.
Tờ Daily Mail cho biết ADN của con người dần dần hư tổn do các tác nhân gây hại của đời sống, bao gồm tia cực tím từ mặt trời, chất ô nhiễm thải ra từ xe cộ và các ngành công nghiệp và thậm chí cả thức ăn bị cháy đen…
Hư tổn ADN tích tụ thành các đột biến gien và cuối cùng dẫn tới bệnh tật cũng như tình trạng chết già. Nếu ADN tự chỉnh sửa các hư tổn, tiến trình trên sẽ được ngăn chặn, theo các nghiên cứu về động vật.
"Đây là thời điểm hấp dẫn để nghiên cứu về lão hóa. Tôi nghĩ chúng ta có thể bắt đầu can thiệp để chống lão hóa trong vòng một thập kỷ nữa" - nhà nghiên cứu Delphine Larrieu nhận định với trang Cambridge Independent.
Nhiều nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu các loài động vật có vú khổng lồ như voi và cá voi. Cả hai loài "khủng" này đều sở hữu các gien đặc biệt giúp kháng ung thư và chỉnh sửa ADN hư tổn.
Loài người cũng có gien mang tên p53 này nhưng chỉ có 2 bản sao trong khi voi có tới 20. Các nhà khoa học tin rằng chính vì vậy mà tỉ lệ tử vong do ung thư ở voi ước tính chỉ khoảng 4,8%. Ở con người, tỉ lệ này là 11%-25%.
Ở cá voi, chúng có số lượng gien ức chế khối u nhiều gấp 2,4 lần. Nếu cá voi có cùng tỉ lệ ung thư trên tế bào như con người, nhân lên trong số hàng triệu tỉ tế bào của chúng thì chúng sẽ chẳng sống nổi tới 1 tuổi.
"Điều này cho thấy cá voi chắc chắn phải có cơ chế chống ung thư hữu hiệu hơn con người. Nhiều khả năng thứ giúp chúng chậm lão hóa - nhiều con sống tới 200 tuổi - cũng giúp chúng bớt mắc ung thư" - ông Alex Cagan, chuyên gia về gien của Trường ĐH Cambridge, lập luận.
Chẳng hạn, cá voi Greenland (còn gọi là cá voi đầu cong, cá voi Bắc cực) không tiêu diệt tế bào ung thư như gien p53, thay vào đó chúng sản sinh ra các protein hàn gắn các hư hỏng trong mạch ADN - theo một nghiên cứu đăng trên trang bioRxiv vào tháng 8 năm ngoái.
Trong khi voi và cá voi có thể cung cấp lối thoát cho bệnh tật của con người thì "sứa bất tử" có khả năng làm giảm nhịp hoàn toàn tiến trình lão hóa. Khi bị những kẻ săn mồi săn đuổi, sứa kích hoạt "siêu năng lực" tự "cải lão" mình thành một cái nang nằm trên đáy biển. Nguy hiểm qua đi cũng là lúc sinh vật đặc biệt này… trưởng thành trở lại.
Nhờ "siêu năng lực" nói trên, sứa chỉnh sửa được các gien hư hỏng và quay ngược về các giai đoạn phát triển ban đầu. Ngay cả khi đã "chín chắn" về mặt tình dục, sứa bất tử vẫn "hô biến" thành ấu trùng được.
Theo các nhà nghiên cứu, "sứa bất tử" là loài sứa duy nhất có khả năng "trở về ấu thơ", đạt tới độ trường sinh bất tử về mặt sinh học.
Tuy nhiên, chỉnh sửa ADN không phải là chiến lược trường thọ duy nhất mà con người có thể học hỏi từ động vật. Theo nghiên cứu mới công bố hồi tháng trước của Trường ĐH Tohoku và Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản), một loài sứa tí hon ở Thái Bình Dương có thể mọc lại phần cơ thể bị mất và các nhà khoa học đã nắm được chính xác bí quyết của chúng.
Có tên là Cladonema pacificum, loài sứa nhỏ như móng tay này mọc lại được xúc tu trong vòng 3 ngày. Các tế bào bình thường ở chỗ bị thương được các tế bào gốc đã qua tiến hóa đặc biệt hỗ trợ; cứ thế hai tế bào này "ươm lại" xúc tu bị đứt.
Các nhà khoa học kỳ vọng những tế bào độc đáo này sẽ giúp mở khóa năng lực tái tạo ở con người – cũng là "hạt mầm" quý giá cho nghiên cứu về chống lão hóa và trường sinh bất tử.
Bình luận (0)