Tại kỳ họp lần II được tổ chức vào ngày 13-12, Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG TP HCM nhiệm kỳ 2023- 2026 đã đồng ý đề xuất của Ban Đào tạo ĐHQG TP HCM về mở nhóm ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn của Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (trình độ ĐH, thạc sĩ) và Trường ĐH Công nghệ Thông tin (trình độ ĐH).
Ngoài ra, hội đồng thông qua chủ trương mở ngành khoa học cây trồng ở trình độ tiến sĩ tại Trường ĐH An Giang; biểu quyết nhất trí với các đề xuất về nhiệm vụ khoa học - công nghệ trọng tâm năm 2024; phương án triển khai nhiệm vụ đặt hàng theo chiến lược và đầu tư trang thiết bị từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới của ĐHQG TP HCM.
Tại hội nghị nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam được tổ chức cuối tháng 10-2023, PGS- TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết hiện nay, ĐHQG TP HCM đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn.
Trong giai đoạn 2023-2030, ĐHQG TP HCM đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.
Theo đó, các trường ĐH thành viên triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. ĐHQG TP HCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.
PGS-TS Vũ Hải Quân cũng cho biết có bốn khó khăn, thách thức của ĐHQG TP HCM trong đào tạo ngành thiết kế vi mạch, đó là: vấn đề thu hút người học, chương trình đào tạo, thiếu chuyên gia giỏi đầu ngành, thiếu hệ thống các phòng thí nghiệm về thiết kế vi mạch để các phần mềm chia sẻ có thể dùng chung.
Bình luận (0)