Theo ông Lâm Văn Tiếp, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, công tác kết nạp đảng viên năm 2002 chưa có sự tập trung đồng đều ở các tổ chức cơ sở Đảng. Số đảng viên mới kết nạp là công nhân (CN), người lao động trong các thành phần kinh tế, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) và trong đội ngũ trí thức còn quá ít.
Cán bộ ở DNTN đều phải phấn đấu thành đảng viên
Theo số liệu của Ban Tổ chức Thành ủy, toàn TP hiện có 25.000 doanh nghiệp tư nhân (DNTN), nhưng cho đến nay mới có 23 chi bộ. Trong năm 2002, ở khu vực này chỉ kết nạp được 12 đảng viên trong tổng số 4.287 đảng viên mới! Khi đi khảo sát các DNTN, các chuyên viên Ban Tổ chức Thành ủy ghi nhận rằng: Ở Công ty Cổ phần nệm mousse Kim Đan, Công ty Đông Nam dược Bảo Long, Công ty TNHH Quán Quân..., giám đốc của các đơn vị này đều khẳng định, từ khi có tổ chức Đảng tại doanh nghiệp, mỗi cán bộ đều phải phấn đấu thành đảng viên. Bởi lẽ, trước đây giám đốc là người quyết định mọi việc để phát triển sản xuất; giờ đây có tổ chức Đảng thì chính những đảng viên trong chi bộ sẽ tham gia mạnh hơn cho sự phát triển của đơn vị. Giám đốc Công ty Cổ phần nệm mousse Kim Đan nói rằng: Những đơn vị dù chỉ có 1% cổ phần của Nhà nước cũng cần có tổ chức Đảng, thậm chí ở những đơn vị không có cổ phần nào của Nhà nước cũng nên có tổ chức Đảng. Còn ông Huỳnh Văn Hải, Bí thư Chi bộ Công ty Đông Nam dược Bảo Long, khẳng định: “Ở đơn vị chúng tôi, muốn trở thành cán bộ thì phải phấn đấu trở thành đảng viên”.
Có tổ chức Đảng chỉ có lợi cho doanh nghiệp
Đây là vấn đề ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM, đã nhiều lần khẳng định khi làm việc với các DNTN và các đơn vị liên doanh. Ông Triết nhấn mạnh: “Đảng bao giờ cũng quan tâm đến phát triển kinh tế, cho nên xây dựng các tổ chức, cơ sở Đảng, Đoàn là nhằm mục đích để các đơn vị này phát triển mạnh hơn”. Thực ra các chủ trương, nghị quyết về phát triển Đảng ở khu vực ngoài quốc doanh đã được Trung ương và Thành ủy TP đề cập từ nhiều năm qua. Ông Trần Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Bí thư Quận ủy quận 5, nói: “Trong năm 2002, chúng tôi đã chú trọng phát triển đảng viên ở các chợ, các trường học, khu dân cư... Tuy số lượng chưa đạt yêu cầu, nhưng kết quả bước đầu đã tạo được sự tin cậy của quần chúng đối với Đảng. Đảng đến với dân chứ không phải chờ dân đến với Đảng”. Đầu năm 2003, Ban Tổ chức Thành ủy đã đặt vấn đề phát triển đảng viên ở khu vực ngoài quốc doanh lên hàng đầu và đề án phát triển Đảng ở khu vực này sẽ được trình lên Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 2 này.
Sức mạnh là từ cơ sở
Làm việc mới đây với Thành ủy TP, khi nói về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lưu ý: “Mọi hoạt động của chúng ta phải hướng về cơ sở, sức mạnh là từ cơ sở mà ra. Bộ máy cơ sở mạnh thì công tác xây dựng Đảng mới đúng hướng và đạt yêu cầu của tình hình mới”. Ông Trần Văn Đông, Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, cho biết: “Khâu đột phá trong xây dựng Đảng năm 2003 là ở các DNNQD. Trong các trường học cũng được quan tâm nhiều hơn, ở đây có nhiều phong trào nhưng trong thời gian qua chúng ta phát triển đảng viên còn quá ít. Một chỉ tiêu được đề ra là phấn đấu đạt từ 65%-70% cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ có quần chúng được kết nạp vào Đảng, trong đó CN trực tiếp sản xuất và người lao động trong các thành phần kinh tế, đặc biệt lưu tâm đến DNNQD. Các Đảng bộ cấp trên cơ sở có nhiều doanh nghiệp, đông CN cần xây dựng kế hoạch chuyên đề về kết nạp Đảng trong CN.
Bình luận (0)