xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cấp bách hồi sinh các dòng sông ở Thủ đô

Đông Hồ

Nhiều dòng sông ở Hà Nội ngày càng ô nhiễm trầm trọng khiến người dân bức xúc, trong khi cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay với nhiều phương án khắc phục

Nhiều năm qua, các dòng sông: Tích, Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Kim Ngưu... ở Hà Nội luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Hầu hết các dòng sông này đều bốc mùi hôi thối, nước đen kịt; nhiều nơi gần như không còn dòng chảy, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và mỹ quan đô thị.

Cần sự quyết tâm rất lớn

Mục tiêu hồi sinh các dòng sông đã được Hà Nội đặt ra cách đây nhiều năm thông qua những đề án cải tạo, biện pháp ngăn chặn ô nhiễm. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm tại nhiều con sông ở thủ đô gần như không cải thiện, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn, khiến người dân và các chuyên gia lo ngại.

Cấp bách hồi sinh các dòng sông ở Thủ đô - Ảnh 1.

Hầu hết các con sông ở Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng Ảnh: HỮU HƯNG

Sông Tô Lịch là một trong những trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội với chiều dài khoảng 14,6 km, chảy qua 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Mỗi ngày, hơn 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông này.

Nhiều người dân sống dọc sông Tô Lịch cho biết hằng ngày, họ bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối từ con sông này. Tình trạng ô nhiễm diễn ra đã nhiều năm qua và ngày càng nặng nề hơn. Nhiều ý tưởng, công nghệ, biện pháp đã được áp dụng, thử nghiệm để hồi sinh sông Tô Lịch nhưng đều chưa mang lại hiệu quả.

Nhiều năm qua, cử tri Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo thành phố quan tâm, nghiên cứu, giao đơn vị làm đầu mối thống nhất quản lý để cải thiện chất lượng sông, hồ của thủ đô; thực hiện nạo vét, xử lý nước sông, hồ trong 4 quận lõi hiện xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường.

Cấp bách hồi sinh các dòng sông ở Thủ đô - Ảnh 2.

Hầu hết các con sông ở Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng Ảnh: HỮU HƯNG

PGS-TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cho rằng ô nhiễm tại các sông, hồ ở Hà Nội diễn ra đã nhiều năm qua. Để giải quyết vấn đề này, cần sự quyết tâm rất lớn của chính quyền địa phương. Nếu không xử lý sớm, tình trạng ô nhiễm sẽ ngày càng phức tạp, ảnh hưởng sức khỏe người dân, làm mất mỹ quan đô thị…

Tập trung cải tạo 4 dòng sông

Theo quy hoạch giao thông TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, một số dòng sông như Tô Lịch, Nhuệ là tuyến giao thông cấp 5, nghĩa là thuyền bè nhỏ có thể lưu thông. Trên sông, ngoài việc tạo thành dòng chảy thì có thể xây dựng một số điểm du lịch đường thủy, vận tải đường thủy, kết hợp khu vui chơi giải trí.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng ô nhiễm môi trường tại các con sông như Nhuệ, Đáy… là vấn đề "đại sự", trên diễn đàn Quốc hội cũng được các đại biểu chất vấn nhiều lần. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận xét: "Tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về UBND thành phố. Hiện nay, tách được nước mặt và nước thải là một chuyện song phải có nhiều giải pháp khác, như: đưa thêm nước vào để thau sông (làm sạch nước - PV) từng bước".

Cấp bách hồi sinh các dòng sông ở Thủ đô - Ảnh 3.

Hầu hết các con sông ở Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng Ảnh: HỮU HƯNG

Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết việc cải thiện chất lượng nước sông, nhất là ở các quận nội đô, đã được thành phố quan tâm, chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp trước mắt và lâu dài để thực hiện. Bên cạnh đó, xem xét tình hình triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải, thực trạng xả thải ra các con sông và giải pháp thu gom xử lý nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét...

Một số dự án đã và đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội. Trong đó, dự án thoát nước, cải thiện môi trường giai đoạn 1 và 2 bao gồm việc cải tạo hệ thống thoát nước khu vực nội thành, cải tạo kè và công trình hạ tầng kỹ thuật dọc các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; cải tạo, nạo vét hồ nội thành.

Cấp bách hồi sinh các dòng sông ở Thủ đô - Ảnh 4.

Hầu hết các con sông ở Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng Ảnh: HỮU HƯNG

Bên cạnh đó, nhiều dự án liên quan khác cũng đang được triển khai, như: đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải: Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày - đêm). Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000 m3/ngày - đêm) đang được đầu tư với các giải pháp làm hệ thống cống bao sông Tô Lịch, sông Lừ, xây dựng nhà máy xử lý nước thải...

Theo đại diện UBND TP Hà Nội, thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải theo quy hoạch. Thành phố cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét".

"UBND TP Hà Nội đã thông báo về việc xem xét nội dung đề án nêu trên với mục tiêu: Phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong lưu vực sông nội đô; xây dựng hệ thống sông cân bằng sinh thái..." - đại diện UBND TP Hà Nội cho hay. 

Báo động ô nhiễm nguồn nước ngầm

Theo các chuyên gia môi trường, nguồn nước ngầm ở Hà Nội cũng đang có nguy cơ ô nhiễm nặng. Nguyên nhân là do lượng nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường quá lớn. Chỉ tính riêng khu vực nội đô, lượng nước thải xả thẳng ra hệ thống sông, hồ đã lên đến khoảng 650.000 m3/ngày - đêm, phần lớn chưa qua xử lý.

13-chot5

Hầu hết các con sông ở Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng. Ảnh: HỮU HƯNG

PGS-TS Đào Trọng Tứ nhìn nhận nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Hà Nội ngày càng cao. Có nhiều nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm ô nhiễm. Trong đó, nguồn nước sông, hồ ô nhiễm nặng thì chắc chắn nguồn nước ngầm cũng ô nhiễm theo.

"Nước ngầm ở tầng nông ô nhiễm là điều chắc chắn; còn ở những tầng sâu hơn, nguy cơ cũng ngày càng cao. Nguồn nước ngầm ở Hà Nội nói riêng và các địa phương khác nói chung có vai trò quan trọng trong đời sống, có thể sử dụng để sinh hoạt hoặc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp..., nên nếu ô nhiễm là vấn đề đáng lo" - ông Tứ băn khoăn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo