xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tây Ninh: Giải tỏa "cơn khát" cho vùng đất biên giới

Bài và ảnh: Nguyên Thảo

Dự án tưới tiêu này được kỳ vọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thu hút doanh nghiệp đầu tư, góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng biên giới và các vùng phụ cận

Đường ống thép khổng lồ thuộc dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đã đưa nước từ hồ Dầu Tiếng tới vùng biên giới 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu của tỉnh Tây Ninh, phục vụ tưới tiêu cho 17.000 ha.

Người dân, doanh nghiệp phấn khởi

Dự án này là tiểu dự án được nghiên cứu trong dự án thủy lợi tổng hợp Phước Hòa. Ngoài ống dẫn nước qua sông, công trình này còn có kênh chuyển nước dài gần 17 km, kênh tưới chính 29 km, kênh cấp một hơn 71 km. Trên các kênh còn có các công trình như cầu máng, cống qua đường, cống qua kênh, cống điều tiết, cống lấy nước, tràn cuối kênh...

Ông Trần Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tây Ninh, cho biết 2 huyện Tân Châu và Bến Cầu của tỉnh bị chia cắt với hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng bởi sông Vàm Cỏ Đông; do vậy nguồn nước rất khó khăn và hoàn toàn phụ thuộc vào thủy triều ven sông Vàm Cỏ Đông; chủ yếu canh tác cây lúa 1 vụ/năm, các vụ còn lại chỉ trồng được các loại cây chịu hạn.

Tây Ninh: Giải tỏa "cơn khát" cho vùng đất biên giới- Ảnh 1.

Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông phục vụ tưới tiêu cho 2 huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh

Dù được UBND tỉnh đầu tư xây dựng 8 trạm bơm điện, phục vụ tưới với tổng diện tích thiết kế 5.258 ha của vùng ven sông Vàm Cỏ Đông nhưng diện tích đất cần nước tưới của khu vực rất lớn; đặc biệt vùng cách sông Vàm Cỏ Đông khoảng 1-2 km sang tận biên giới Campuchia, có diện tích khoảng 24.000 ha; trong khi đó, hệ thống thủy lợi trên địa bàn các huyện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu canh tác của người dân.

Năm 2017, UBND tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông với mục tiêu cấp nước tự chảy cho diện tích khoảng 17.000 ha đất nông nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi với lưu lượng 1 m3/giây. Dự án được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thu hút nhiều doanh nghiệp chọn nơi đây làm điểm đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng biên giới và các vùng phụ cận.

Dự án được khởi công từ tháng 4-2018 với số vốn đầu tư hơn 1.246 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương và địa phương.

Công trình gồm kênh chuyển nước từ hồ Dầu Tiếng đưa sang, dài gần 17 km, lưu lượng thiết kế đầu kênh là 14 m3/giây. Trong đó, công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,3 km bằng cầu máng qua ống thép.

Bà Nguyễn Thị Hương (xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh), phấn khởi nói nhân dân vùng này trước đây sản xuất, canh tác chủ yếu là cây lúa, nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào thủy triều của sông Vàm Cỏ Đông: đặc biệt, những khu vực cách sông 1-2 km không chủ động được nguồn nước phải khoan giếng, sử dụng máy bơm để bơm lấy nước canh tác, dẫn đến chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp do tốn kém chi phí đầu tư như: điện, nhiên liệu, sửa chữa máy bơm...

Tây Ninh: Giải tỏa "cơn khát" cho vùng đất biên giới- Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành đã phục vụ cấp nước từ vụ Đông Xuân năm 2022-2023 với diện tích khoảng 3.137 ha/vụ (tăng 2.037 ha/vụ so với trước); người dân thuộc vùng thụ hưởng của dự án hoàn toàn sử dụng nước canh tác bằng phương pháp tự chảy; tăng lợi nhuận canh tác, giảm chi phí bơm nước, đồng thời phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Đáng chú ý, nhờ có nguồn nước dồi dào, các địa phương vùng biên giới đã thu hút được các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đến đầu tư, có thể kể đến như Công ty TNHH Hưng Thịnh (khoảng 1.287 ha), Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam (Vinamilk) - Trang trại bò sữa Tây Ninh (khoảng 250 ha), Công ty Thành Thành Công (TTC) Tây Ninh - Nông trường TTC Bến Cầu (khoảng 150 ha)… Ngoài ra, dự án định hướng cấp nước cho khu dân cư, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với lưu lượng khoảng 2 m3/giây.

Cấp thiết phải hoàn thành giai đoạn 2

Ngày 20-9-2021, UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2, kiên cố hóa kênh chính, kênh cấp 1, 2, 3 và kênh tiêu, với mục tiêu hoàn thiện dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông - giai đoạn 1.

Tuy nhiên, hiện nay dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư từ trung ương. Theo lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, việc chậm triển khai giai đoạn 2 sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tiết kiệm nguồn nước thêm khoảng 2 m3/giây để cấp nước cho khu dân cư trên địa bàn huyện Bến Cầu, cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài…

Ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2 kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của người dân, doanh nghiệp tại địa phương mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, việc kéo dài dự án sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu tư do biến động về giá cả vật tư, trượt giá, giải phóng mặt bằng đang có xu hướng tăng. 

Ông Nguyễn Đình Xuân khẳng định tỉnh Tây Ninh đã sẵn sàng trong việc triển khai dự án giai đoạn 2 thông qua bố trí 100 tỉ đồng từ kế hoạch trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 để thực hiện dự án. Nếu bố trí được 500 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương thì dự án sẽ được triển khai sau khi được phê duyệt và dự kiến hoàn thành trong quý II/2025.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo