Sau 3 năm, vườn cây thanh trà nằm bên dòng Ô Lâu của gia đình ông Nguyễn Văn Lịch (ngụ xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tốt tươi, sai quả. Đó là thành quả sau mấy năm áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học của ông Lịch với sự hỗ trợ của Tập đoàn Quế Lâm. "Tôi đang đầu tư hệ thống tưới tự động, làm đường bê-tông nội bộ trong khu vườn thanh trà để chuẩn bị kinh doanh du lịch sinh thái, trải nghiệm. Dự kiến sẽ mở tour từ sông Ô Lâu, kết nối làng cổ Phước Tích, tham quan vườn thanh trà cùng các sản phẩm nông nghiệp sạch" - ông Lịch tiết lộ kế hoạch của mình.
Vườn thanh trà của gia đình ông Lịch được canh tác theo mô hình nuôi trồng khép kín
Ông Lịch tham gia mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học kết hợp trồng cây thanh trà, bưởi da xanh khép kín với quy mô bình quân 100 con heo thịt, 10 con heo nái và 2 ha cây thanh trà. Ông giải thích điểm mấu chốt của chăn nuôi heo an toàn sinh học là ở chỗ sử dụng công nghệ vi sinh, đệm lót sinh học, không sử dụng nước tắm cho heo nên chuồng không có mùi, không gây ô nhiễm. Một năm nuôi 2 lứa heo lấy được 20 tấn phân từ đệm lót sinh học bón cho bưởi, thanh trà...
Theo ông Lịch, mấy năm trước, khi đem mô hình này về, có 20 hộ dân đăng ký tham gia nhưng sau đó chỉ còn 3 hộ. Lúc đầu, người dân không biết kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi an toàn sinh học là gì. "Không ai nghĩ chăn nuôi heo ở nông hộ, trang trại mà không cần dùng nước tắm cho chúng; không gây ô nhiễm môi trường mà phân lại bán được... Nhưng đó là sự thật, khi mô hình đi vào vận hành, mình mới thấy được rất nhiều ưu điểm của nó" - ông Lịch nhớ lại.
Nuôi heo theo mô hình an toàn sinh học của ông Nguyễn Văn Lịch
Khi thành lập tổ hợp chăn nuôi, ông Lịch được Quế Lâm hỗ trợ nguồn vốn xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn kỹ thuật do tập đoàn này cung cấp, cung ứng vật tư, thức ăn và giám sát kỹ thuật đầu vào. Đầu ra cũng được tập đoàn cam kết bao tiêu với giá cao hơn thị trường.
Sau mỗi lứa heo xuất chuồng, ông Lịch thu 10 tấn phân hữu cơ từ đệm lót sinh học, không chỉ đủ bón cho cây trồng mà còn xuất bán 1 triệu đồng/tấn. Với 1 ha thanh trà khoảng 200 cây (bình quân mỗi cây thu hoạch 100 kg quả), ông Lịch thu được 600-700 triệu đồng/năm. Cùng với mô hình chăn nuôi heo, trang trại của ông thu lãi bình quân hơn 1 tỉ đồng/năm.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, cho biết mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín, an toàn sinh học của doanh nghiệp này áp dụng công nghệ vi sinh hiện đại trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường; sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn và nước uống, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn và tăng tính miễn dịch, chống lại một số vi sinh vật gây bệnh cho vật nuôi; dùng chế phẩm vi sinh bổ sung vào đệm lót sinh học.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong 13 năm qua, Quế Lâm đã đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ; một tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền. Tập đoàn này còn thành lập 3 công ty để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; cùng với các hợp tác xã và hàng trăm hộ nông dân liên kết sản xuất nông sản hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học với khoảng 500 ha lúa, cây hoa màu các loại, khoảng 250 con heo nái và 5.000 con heo thịt.
Bình luận (0)