Tổng cục Môi trường cho biết qua theo dõi kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc không khí tự động, bắt đầu từ nửa cuối tháng 10 trở lại đây, chất lượng không khí có diễn biến xấu đi so với những tháng trước đó. Đặc biệt, trong đầu tháng 11 và đầu tháng 12 đã xuất hiện vài đợt ô nhiễm tại Hà Nội và một số đô thị phía Bắc.
Bụi mịn ở mức cao
Kết quả đo trong tháng 11 và đầu tháng 12-2020 tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại Hà Nội và TP HCM hầu hết đều cao hơn các đô thị khác.
Tại Hà Nội, có 11/41 ngày thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn. Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội cho thấy khá nhiều ngày có chất lượng không khí ở mức kém, đặc biệt tập trung nhiều trong khoảng một tuần vừa qua. Cụ thể, tại các khu vực trong nội thành Hà Nội từ đầu tháng 11 đến nay, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại nhiều trạm quan trắc không khí tự động trong khu vực nội thành khá cao, tập trung thành những đợt ô nhiễm.
Bụi mịn ở mức cao tại Hà Nội những ngày gần đây
Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân được lý giải do quy luật diễn biến chất lượng không khí hằng năm, tại khu vực miền Bắc, ô nhiễm không khí tăng cao vào các tháng mùa đông, nhất là vào ban đêm và sáng sớm. Nguyên nhân: Có sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), cho biết bụi mịn PM2.5 tồn tại nhiều ở môi trường bên ngoài, trong khi đó con người hoạt động ở môi trường bên ngoài khá nhiều. Bụi mịn PM2.5 chủ yếu sinh ra từ khí thải từ phương tiện giao thông, khói nhà máy xí nghiệp, công trình xây dựng, đốt rác, đốt rơm rạ... Trong thành phố, mật độ giao thông cao, nhà cao tầng dày đặc chắn gió nên gây ra hiện tượng như "sương mù" ở Hà Nội.
Theo một số chuyên gia, Hà Nội ô nhiễm hơn TP HCM có thể liên quan đến đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghệ, nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp như công nghệ lạc hậu, khu công nghiệp nằm gần trục giao thông. Ngoài ra, thời tiết nhiều biến động ở khu vực phía Bắc cũng gây tác động tiêu cực lên môi trường.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng các thành phố lớn cần tập trung giải quyết bằng giải pháp tổng thể trên các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt cộng đồng.
Trước mắt, ông Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh cần xác định rõ các nguồn phát thải, từ đó làm cơ sở cho quy hoạch phát triển và quản lý đô thị, cũng như các giải pháp giảm ô nhiễm. Cần cải tạo hạ tầng giao thông, vệ sinh đường phố sạch sẽ, tân trang không gian vỉa hè, kiểm soát khí thải các phương tiện lưu thông trên đường phố. Bên cạnh đó, phát triển phương tiện công cộng để hạn chế xe cá nhân.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhắc đến giải pháp quan trọng khác là trồng nhiều cây xanh trong đô thị và ông đánh giá thời gian qua, Hà Nội đã trồng thêm được khá nhiều cây xanh, điều này rất có lợi cho môi trường. Các cụm công nghiệp, khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý khí thải, khuyến khích dùng công nghệ thân thiện với môi trường, sớm chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi nội đô.
Đối với người dân, để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm môi trường, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng cho rằng mỗi người dân ý thức được trách nhiệm của mình đối với môi trường. Trước các cảnh báo về ô nhiễm không khí, việc người dân mua máy lọc không khí để sử dụng trong gia đình là nhu cầu thiết yếu. "Hiện trên thị trường có nhiều loại máy lọc không khí của nhiều quốc gia với những công nghệ khác nhau, do đó hiệu quả lọc không khí cũng sẽ khác nhau. Trước khi mua máy lọc không khí, cần tìm hiểu kỹ về các dòng máy, công nghệ để bảo đảm hiệu quả nhất khi sử dụng" - ông Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh.
Theo GS Phạm Ngọc Đăng, bụi mịn PM2.5 đang gây ra nhiều lo ngại cho người dân. Do đó, máy lọc không khí sẽ làm giảm thiểu loại bụi mịn này. Tuy nhiên, không phải loại máy nào cũng lọc được bụi mịn PM2.5, còn tùy thuộc vào công nghệ, do đó người dân cần xem xét kỹ thông số kỹ thuật khi mua hàng.
Ngoài việc các loại bụi thông thường, chất hữu cơ, PGS-TS Trần Hồng Côn cho rằng người dân mua máy lọc không khí phần lớn kỳ vọng sẽ lọc được bụi mịn PM2.5, bởi đây là loại bụi ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. Sự xâm nhập của loại bụi mịn này vào trong nhà là không lớn nên người dân có thể mua thiết bị để lọc không khí, từ đó giúp cho không khí trong ngôi nhà trong lành hơn. Để bảo đảm sức khỏe, vị chuyên gia cho rằng người dân cần song hành nhiều biện pháp khác, không chỉ đơn thuần là lắp đặt máy lọc không khí trong nhà.
Bụi mịn nhiều nhất vào đêm và sáng sớm
Theo Tổng cục Môi trường, kết quả tính toán chỉ số AQI tại các trạm của Hà Nội thể hiện: Trong đầu tháng 12, tại một số trạm chỉ số AQI đã ở mức xấu, mức có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, tại các khu vực khác nhau, chất lượng không khí cũng có sự khác biệt đáng kể. Các trạm đặt tại Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm thường có kết quả quan trắc thông số bụi cao hơn các khu vực khác. Theo dõi diễn biến chất lượng không khí trong ngày cho thấy giá trị thông số bụi mịn PM2.5 thường cao nhất buổi đêm và sáng sớm.
Bình luận (0)