Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, phải gắn phong trào thi đua với xây dựng lực lượng chính trị, quy hoạch đội ngũ dự bị, xây dựng con người mới vừa hồng vừa chuyên. Báo Người Lao Động lược ghi thành tích một cá nhân và một tập thể đã được tuyên dương lần này, hai trong số những điển hình tiêu biểu cho sự kết hợp giữa phong trào thi đua và việc xây dựng con người mới.
Chia sẻ bất hạnh của trẻ mồ côi
Ước nguyện đó đã trở thành hiện thực khi Đào Thị Huê được vào học Trường Trung học Quân y II và trở về công tác tại Trung tâm Tam Bình, chăm sóc những em mồ côi, những đứa trẻ khuyết tật bẩm sinh, bại não, nhiễm HIV/AIDS. Như bao trẻ mồ côi trưởng thành tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em Tam Bình (Thủ Đức - TPHCM), Đào Thị Huê đã cảm nhận hết nỗi bất hạnh, cô đơn khi thiếu mái ấm gia đình, nhất là những trẻ nhiễm HIV/AIDS. Theo Huê, chăm sóc cho trẻ bình thường đã khó, chăm sóc cho trẻ nhiễm HIV/AIDS càng khó khăn, vất vả hơn. Hầu hết, các em khi được tiếp nhận vào trung tâm đều bị suy dinh dưỡng nặng. Huê nói: “Khi đưa vào trung tâm, có em thân mình lở loét vì bị nhiễm trùng... nhưng không vì thế mà chúng tôi lo ngại bị lây nhiễm khi trực tiếp chăm sóc và điều trị cho các em”.
Không kể giờ giấc, Huê và các đồng nghiệp luôn theo sát các bé có triệu chứng suy kiệt, can thiệp kịp thời, níu kéo sự sống mỏng manh của các em. Kỹ năng chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV/AIDS còn quá mới. Vì vậy, Huê thường xuyên tranh thủ học hỏi thêm về những vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc trẻ đang cần những bàn tay nhân ái qua các chuyên gia đầu ngành khi có dịp và qua mạng Internet. Ngoài ra, Huê luôn xây dựng, kiểm tra các thực đơn cần thiết để trẻ ăn ngon, bảo đảm dinh dưỡng hơn nhằm giúp trẻ nhiễm HIV kéo dài thời gian chuyển qua giai đoạn AIDS.
Biết gắn kết quyền lợi và nghĩa vụ của người dân
Hình ảnh sông, rạch đọng đầy rác thải, cống rãnh nghẹt, cầu vệ sinh trên sông... trước đây ở khu phố 1, phường An Khánh, quận 2 đã không còn. Ông Trần Thanh Trương, Trưởng Ban Điều hành khu phố, cho biết: “Tháng 2-2001, Ban Điều hành khu phố vay 2 triệu đồng từ nguồn quỹ của UBND phường, mua một xe ba gác vận chuyển rác, bố trí 2 nhân viên thu gom rác và thống nhất giá thu gom rác là 6.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền này được trừ khấu hao xe, trả nợ vay, trang bị bảo hộ lao động và trả lương cho nhân viên thu gom rác. Đến tháng 12-2003, toàn khu phố đã có 80% hộ dân tham gia đổ rác dân lập (20% hộ còn lại ở mặt tiền đường được Công ty Vệ sinh môi trường quận thu gom rác)”. Không dừng lại ở đó, Ban Điều hành khu phố tiếp tục vận động các gia đình thực hiện thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt. Nhiều hộ trong khu phố tham gia phân loại rác: phân hủy được và không phân hủy được có thể thu hồi tái sinh. Qua 15 tháng thực hiện, tổ phân loại rác đã thu gom được 2,5 tấn bao ni lông và các phế liệu khác. Bán số phế liệu đó, Ban Điều hành khu phố có kinh phí hỗ trợ cho học sinh nghèo, lắp bóng đèn cao áp chiếu sáng khu phố...
Ban Điều hành khu phố rút ra một kinh nghiệm: Phải biết gắn kết quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong cộng đồng dân cư; đáp ứng được cái thiếu, cái cần của nhân dân, không máy móc, rập khuôn. Mọi chủ trương phải được bàn bạc thống nhất, tạo sự nhất trí cao trong nhân dân thì không có việc gì không làm được.
Bình luận (0)