Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk vừa cho biết sẽ nêu vấn đề trạm thu phí BOT vây kín Tây Nguyên - nhất là Quốc lộ (QL) 26 và QL14, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, cản trở thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, ra kỳ họp QH cuối tháng 10 này.
Chặt khúc để thu?
Hơn 2 năm trước, ngày 13-2-2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; cải tạo, nâng cấp QL 26 đoạn qua thị xã Ninh Hòa và huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk theo hình thức BOT.
Theo đó, dự án do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 501 làm chủ đầu tư, khi hoàn thành sẽ sử dụng 2 trạm thu phí, thời gian thu khoảng 18 năm 10 tháng. Cụ thể, đoạn đường tránh thị xã Ninh Hòa (làm mới) dài 2,9 km; nâng cấp, cải tạo đoạn qua thị xã Ninh Hòa và đoạn qua huyện Ea Kar, mỗi đoạn khoảng 8 km. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 859 tỉ đồng, chia 2 giai đoạn. Hiện dự án đã hoàn thành, chủ đầu tư lập 2 trạm thu phí ở thị xã Ninh Hòa và huyện Ea Kar, giá vé phân thành 5 mức, từ 25.000 đến 120.000 đồng/lượt.
Trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 26 qua tỉnh Đắk Lắk Ảnh: Cao Nguyên
Ông Trần Nghĩa Tiến, chủ một doanh nghiệp vận tải, băn khoăn: "Có một đoạn đường phía Tây gần đoạn BOT thị xã Ninh Hòa cũng xuống cấp, chật hẹp, sao không làm luôn mà phải "chạy" lên Đắk Lắk, cách 85 km để làm một đoạn rồi đặt 2 trạm thu phí? Phải chăng đã có việc cố tình chặt khúc QL 26 làm từng đoạn nhỏ để thu phí cho nhiều?".
Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cũng đã kiến nghị Bộ GTVT dừng thu phí tại trạm BOT Ea Kar vì cho rằng nhà đầu tư chỉ nâng cấp, mở rộng khoảng 8 km, đồng thời đề nghị Chính phủ mua lại trạm này để giảm bớt gánh nặng cho dân. Trả lời, Bộ GTVT khẳng định việc đặt 2 trạm này là đúng quy định và cho biết dự kiến tổng chiều dài toàn dự án khoảng 40 km, giai đoạn 2 sẽ đầu tư trong thời gian tới. Về kiến nghị nhà nước mua lại trạm thu phí Ea Kar, Bộ GTVT cho biết Chính phủ chưa có chủ trương và danh mục đầu tư ngành GTVT trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã trình QH cũng không bố trí nên không thể thực hiện.
Ông Y Biêr Niê - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk - cho rằng Bộ GTVT cần đầu tư nâng cấp đường thông suốt rồi thu phí, nếu mới đầu tư một khúc mà đặt trạm thu phí với thời hạn như thế thì cần cân nhắc. "Chúng tôi đã kiến nghị phải cân nhắc khi đầu tư theo hình thức BOT ở vùng Tây Nguyên, bởi vùng này còn nghèo khó" - ông Y Biêr Niê nói.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dời trạm thu phí BOT Quang Đức (chủ đầu tư là Công ty CP BOT Quang Đức) do dự án tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ dài khoảng 30 km, đầu tư gần 575 tỉ đồng từ trái phiếu Chính phủ, chuẩn bị hoàn thành nên nhiều xe sẽ đi theo tuyến tránh, không qua trạm thu phí hiện tại.
Chủ một doanh nghiệp vận tải tuyến Gia Lai - TP HCM cho rằng nếu trạm thu phí được dời, các phương tiện đi trên tuyến tránh dài 30 km do ngân sách đầu tư và chỉ đi qua 5 km đầu tư bằng BOT nhưng phải trả phí cao như hiện nay là không hợp lý. Theo ông, mỗi xe tải trên 18 tấn phải trả 40.000 đồng để đi 1 km là khó chấp nhận.
Ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, cho biết những năm 2009-2010, QL 14 cũ hư hỏng trầm trọng nên tỉnh xin trung ương cho kêu gọi đầu tư và lắp đặt 2 trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, khi triển khai dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đặt thêm một trạm thu phí BOT tại huyện Đắk Mil. Thấy vậy, tỉnh đề nghị không lập thêm trạm BOT thứ 3 mà dùng ngân sách đầu tư đoạn này nhưng không được chấp thuận.
"Đắk Nông là tỉnh nghèo mà có quá nhiều trạm thu phí, thu với giá cao phần nào ảnh hưởng đến đời sống người dân và việc thu hút đầu tư của tỉnh" - ông Lê Diễn nhìn nhận.
"Quá giang" phí cũng cao
QL 20 qua tỉnh Lâm Đồng có 2 trạm thu phí BOT là trạm Liên Đầm và trạm Định An. Định An được xem là trạm thu phí cao nhất nước bởi đoạn đường chỉ 19,2 km nhưng Công ty TNHH Hùng Phát (chủ đầu tư) thu 36.000 đồng đến 192.000 đồng/xe/lượt, thời gian hoàn vốn đến 23 năm. Đây cũng là dự án đội vốn rất cao (từ 572,4 tỉ đồng năm 2003 lên 1.313,6 tỉ đồng năm 2011).
Điều khó hiểu là dự án BOT nhưng trong khi phần vốn nhà nước đầu tư từ 195 tỉ đồng "dội" lên trên 985 tỉ đồng thì phần vốn doanh nghiệp lại giảm từ hơn 377 tỉ đồng xuống còn 328,4 tỉ đồng. Người dân còn bức xúc với trạm thu phí này vì đặt ngay ở "nút chai" chân đèo Prenn, các phương tiện lưu thông trên QL 20 (từ TP HCM lên) và QL 27 (từ Ninh Thuận lên) muốn vào TP Đà Lạt đều buộc phải đóng phí cho trạm này dù chỉ "quá giang" vài km chứ không đi suốt tuyến.
Ông Nguyễn Đình Trưởng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hùng Phát, cho biết đã có văn bản đề xuất giảm 50%-60% giá vé xe chính chủ của các hộ dân sống ở khu vực lân cận và hai đầu cao tốc Liên Khương - Prenn thuộc các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, một phần thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng); xã Đạ Ròn, thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) và miễn phí cho toàn bộ xe buýt.
Trong khi đó, QL 19 là tuyến huyết mạch không chỉ nối các tỉnh Bắc Tây Nguyên mà còn cả nước bạn Campuchia với các tỉnh duyên hải miền Trung, dài gần 240 km, bắt đầu từ cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và kết thúc tại Cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai). Trên QL này, Công ty TNHH BOT 36.71 và Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) đặt 2 trạm thu phí ở Bình Định và Gia Lai. Trên QL 14 (đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Gia Lai) còn có dự án BOT của Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng đã đặt 2 trạm thu phí, thời gian hoàn vốn trên 22 năm.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, các dự án này đang tồn tại nhiều bất cập khiến người dân bức xúc. Đặc biệt, dự án nâng cấp, cải tạo QL 19 chỉ dài 23/169,5 km và đoạn từ Km 90 đến Km108, qua huyện Đắk Pơ chưa được đầu tư đồng bộ nên hư hỏng nặng. Do đó, việc thu phí là chưa phù hợp với mức hưởng lợi của người dân trong vùng. Vì thế, tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị có chính sách miễn hoặc giảm giá vé cho dân địa phương và các đơn vị gần trạm thu phí.
Chưa tìm được lời giải cho BOT Biên Hòa
Chiều 10-10, UBND tỉnh Đồng Nai cùng chủ đầu tư và các bên liên quan đã họp để tìm hướng xử lý việc trạm BOT Biên Hòa ngưng hoạt động trong những ngày qua. Các phương án giảm giá vé qua trạm, vấn đề an ninh trật tự tại địa bàn xung quanh và việc tài xế liên tục dùng tiền lẻ để phản ứng đã được đưa ra nhưng vẫn chưa thống nhất hướng giải quyết.
Trước đó, các tài xế cho biết họ không yêu cầu giảm phí mà đòi hỏi dời trạm BOT Biên Hòa vì đặt sai vị trí. Cụ thể, tuyến tránh TP Biên Hòa dài 12 km, do Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư, sau đó đèo thêm 10 km cải tạo QL 1. Tuy nhiên, trạm thu phí lại đặt trên QL 1 và cách tuyến tránh 10 km khiến người dân phải mua vé oan dẫn đến bức xúc.
X.Hoàng
Bình luận (0)