Chiều nay 13-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật An ninh mạng và dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Bùi Đặng Dũng cho rằng có tình trạng lạm dụng quy định thông tin mật - Thế Dũng
Góp ý dự luật Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng thẳng thắn đánh giá có tình trạng lạm dụng "mật" nhiều năm nay.
Ông Dũng dẫn chứng ngay nơi cơ quan ông làm việc là Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhiều năm qua căn cứ quy định pháp luật đều xem báo cáo ngân sách nhà nước là tài liệu mật và đều đóng dấu mật mà theo luật thì 10 năm sau mới được "giải mật" thì có thật sự cần thiết? Trong khi các quốc gia khác liên quan tài chính ngân sách là công khai trên mạng, mọi người dân vào mạng đều biết rõ ngân sách quốc gia...
"Có một cán bộ ở một cơ quan Quốc hội bị phát hiện có lộ tài liệu mật mà có phải là cố tình làm lộ đâu. Sự thật là ông này phải lưu quá nhiều tài liệu trong suốt thời gian dài đến đầy phòng làm việc nên gọi bà đồng nát vào bán cho gọn phòng thì bị lọt tài liệu mật ra ngoài" – ông Dũng dẫn ví dụ minh hoạ.
Đáng chú ý, Phó Chủ nhiệm Bùi Đặng Dũng cũng đặt vấn đề "tại sao xem sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thông tin bí mật nhà nước, còn nếu xem là bí mật nhà nước thì phải phải thực hiện theo đúng tính chất của bí mật nhà nước, còn không phải thì cần hoàn toàn công khai".
"Như vừa rồi liên quan đến sức khoẻ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại sao không công khai để người dân, bên ngoài được biết mà cứ để trên mạng, ngoài xã hội đồn thổi. Nhân dân và cán bộ, đảng viên lo lắng, băn khoăn rất nhiều, chúng ta chỉ không nói đến thôi. Sinh lão bệnh tử là quy luật bình thường, tuổi 60 bệnh tật cũng là lẽ thường. Trừ một số đồng chí biết rất rõ còn cán bộ, đảng viên phần lớn không rõ nên khi về khu phố thì bà con hỏi, ông bà già hỏi, đi tiếp xúc cử tri cũng hỏi. Tại sao điều đó không công khai? Đến khi hình ảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang xuất hiện rạng ngời, khoẻ mạnh thì ngay lập tức đập tan dư luận. Nếu công bố sớm hơn thì tránh kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc. Gần đây nhất thấy hình ảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở APEC quá tuyệt vời"- ông Dũng góp ý.
Tiếp tục "mổ xẻ", ông Bùi Đặng Dũng cho rằng liên quan việc xác định thông tin bí mật nếu chúng ta chia sẻ thông tin để làm điều tốt thì bình thường không sao nhưng nếu quy chụp vào bí mật là cũng "kẹt".
Điều đáng nói theo đại biểu Bùi Đặng Dũng, thời gian qua, nhiều thông tin họp kín, họp quan trọng của Đảng, Nhà nước... cùng bị rò rỉ. Thông tin cơ mật bị khai thác qua lái xe, qua người giúp việc, thậm chí chỉ ra quán trà đá vỉa hè là nắm được.
"Đáng nói là thông tin trà đá vỉa hè lộ ở đâu ra khi mà có những ông phán kinh lắm, người này sẽ làm vị trí này, người kia sẽ làm vị trí kia, thế mà thực tế cuối cùng là đúng hết cả. Mỗi một kỳ đại hội, muốn nắm thông tin ra quán trà vỉa hè ngồi hỏi một lúc là người ta nói hết. Rõ ràng về mặt tổ chức nhân sự là có chuyện lộ bí mật nhà nước, lộ ở đâu ra hay tự chúng ta làm lộ bí mật của chúng ta ra? Luật có điều chỉnh tình trạng này không?" - ông Dũng góp ý.
Theo ông Dũng, có nhiều bí mật không đong đếm được nhưng nguy hại đến quốc gia vì vậy cần bổ sung một số danh từ liên quan đến đơn vị mới thành lập như "đặc khu kinh tế" đang được QH thảo luận, ở đây cũng có nhiều điều cần bí mật.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hoá) cho rằng thực tiễn lộ lọt bí mật nhà nước, quốc gia, quốc phòng an ninh diễn ra khá phổ biến. Do đó, việc xây dựng luật là cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu Hùng cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định danh mục bí mật nhà nước cần bảo vệ để tránh tình trạng lạm dụng quy định để gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính hay "mật hoá" văn bản để bưng bít thông tin.
Ông Vũ Xuân Hùng cũng băn khoăn khi dự thảo giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành lập danh mục bí mật nhà nước. Bởi, với 63 tỉnh, thành thì có thể xảy ra tình trạng cùng một danh mục nhưng độ mật lại khác nhau tuỳ thuộc đánh giá của mỗi địa phương, như nơi này "mật" nhưng nơi kia lại "tối mật" gây nên sự không thống nhất.
"Nếu quy định như thế thì dễ lợi dụng bưng bít thông tin, không phổ biến thông tin vì mục đích riêng. Đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản có khi gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Do đó, để đảm bảo danh mục thống nhất thì nên quy định theo ngành dọc, tức các bộ ngành trung ương đến địa phương để đồng nhất hơn" – đại biểu Hùng kiến nghị.
Cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng một số cơ quan cấm cán bộ xem mạng xã hội thì cần xem lại, vấn đề là biện pháp kỹ thuật chứ không phải là mệnh lệnh hành chính.
"Tôi về hưu rồi và cũng hay xem Facebook của Huy Đức... và nhiều trang mạng khác, vấn đề là các biện pháp kỹ thuật quản lý sẽ theo hướng nào"- ông Kim chia sẻ.
Bình luận (0)