Ở đây, người ta bắt gặp một lối làm việc quen thuộc của họ: cả hai cùng viết chung kịch bản, một người làm nhiệm vụ dàn dựng và cả hai cùng “dành” cho mình một vai để diễn. Nếu như Nghệ sĩ Ưu tú Thành Hội thường phải lãnh ấn tiên phong nhận những vai nam trụ cột của vở thì Ái Như, bên cạnh vai trò đạo diễn, còn là người đóng thế mỗi khi khuyết một vai nữ nào đó. Họ đã cần mẫn, chăm chỉ và lặng lẽ như những con ong thợ suốt hơn mười lăm năm qua.
Từ một cơ duyên.- Khi Ái Như, lúc ấy là một cán bộ phong trào của xí nghiệp may Bình Minh thi đậu vào lớp diễn viên khóa 5 Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 thì Thành Hội đã tốt nghiệp ra trường. Anh là học viên thuộc thế hệ “anh cả” - khóa 1 và cùng với các bạn đồng môn như Minh Hoàng, Anh Tuấn,... trở thành những ngôi sao trên sân khấu đoàn kịch Cửu Long Giang. Nghe biết và ngưỡng mộ đàn anh, nhưng phải mất bảy - tám năm sau, khi về đoàn Cửu Long Giang thực tập, chuẩn bị
“Thành Hội - Ái Như là sự phối hợp rất ăn ý trong sáng tạo. Một người giỏi chi tiết về diễn xuất (Thành Hội). Một người rất chi tiết về dàn dựng (Ái Như). Họ có điểm giống nhau là cần mẫn và kiên nhẫn. Cả hai đều cực kỳ “khó tính” trong hoạt động nghệ thuật. Điều đó rất cần cho sân khấu IDECAF của chúng tôi”. (Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc, Phó Giám đốcCông ty Sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương)
làm bài tốt nghiệp đạo diễn chuyên tu (khóa 3), Ái Như mới có dịp cộng tác với Thành Hội. Cô làm phụ giảng cho anh trong lớp đào tạo diễn viên do đoàn kịch chiêu sinh. Có thêm Ái Như, cái tính nóng như lửa của Thành Hội được giảm nhiệt độ. Họ đã tìm thấy ở nhau sự đồng điệu qua cái nhìn về thân phận và cách thể hiện các nhân vật trên sân khấu. Đó chính là khởi đầu cho việc manh nha một sự hợp tác mà sự ra đời của vở kịch Khúc nhạc lòng của vị mục sư, phóng tác từ tác phẩm của André Gide là một bằng chứng. Vở kịch mang tên một tác giả ghép: Thành Hội - Ái Như, cũng là vở tốt nghiệp loại giỏi của đạo diễn Ái Như. Và kế tiếp, thêm một vở phóng tác Đùa với tình yêu (dựa theo Lòng thương hại nguy hiểm của Stephan Sweigh) ra đời lần nữa đã khẳng định thêm sự có mặt của tác giả ghép này.
Sức mạnh được nhân đôi.- Những vở kịch phóng tác như những bước đi dò dẫm, lần đầu tiên ra mắt ở Nhà hát “5B” đã đem lại cho công chúng một cái nhìn mới với không ít ngạc nhiên về cả Ái Như lẫn Thành Hội. Vẫn còn đó một vóc dáng nhỏ xinh với cặp răng khểnh từng làm bao người khó ngủ, vốn trong sáng đến như... thiên thần trong những vai “cô bé”, bên cạnh một Ái Như “lớn” hẳn lên, chững chạc, đằm thắm với khả năng khai thác tâm lý nhân vật thật sâu sắc, tinh tế. Và vẫn còn đó một Thành Hội mộc mạc, góc cạnh, hóm hỉnh trong các nhân vật đàn ông chân chất đến sần sùi, bên cạnh một tác giả kịch bản thích dấn thân vào thế giới tâm linh của con người. Trong số những vở xử lý lại những vở kịch, những tác phẩm văn học nước ngoài, có lẽ vở kịch Bóng thiên nga là vở khó xem nhất, nhưng lại là vở được giới chuyên môn đánh giá cao về năng lực sáng tạo trong dàn dựng và diễn xuất. Bóng thiên nga được pha trộn một cách khéo léo hai vở kịch ngắn của Nga có tên Nắng ấm ban mai và Khúc hát thiên nga, nói về nỗi hoài niệm một thời tuổi trẻ đáng sống của những người sắp đi hết một đời. Có người là nghệ sĩ nổi danh, có người chỉ là anh kéo màn - nhưng họ đã biết sống để không bao giờ phải hối tiếc. Điều đáng nói là nhân vật trong vở không tiếc song người xem lại tiếc. Tiếc cho công sức của tác giả kiêm đạo diễn Thành Hội - Ái Như đã không thể đồng hành cùng sân khấu thương mại nên Bóng thiên nga diễn được một vài suất rồi sau đó chỉ còn là chiếc bóng trong niềm trắc ẩn của khán giả tâm huyết với sân khấu.
Hai tính cách đối lập.- Trong từng ấy năm, tuy mỗi năm chỉ cho ra đời vài ba vở, song cũng khó kể ra hết những dấu ấn về sự hợp tác đầy hiệu quả của “liên danh” Thành Hội - Ái Như. Bên cạnh việc viết chung kịch bản, người này còn là sự chọn lựa số một trong vở dựng của người kia. Và nhân vật “số một” này bao giờ cũng mang theo đến hơn một nửa niềm hy vọng cho sự thành công của vở. Bởi trong khi sáng tạo, họ trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự sáng tạo của nhau mà Ái Như có lần ví như sự nẩy chồi của cành cây. Hai người, hai tính cách gần như đối lập: Thành Hội mạnh mẽ, ưa sự đột biến trong xử lý sân khấu; còn Ái Như tính tình dịu dàng, thích sự từ tốn, “ri rỉ”. Thời gian viết vở của họ thường được gọi đùa là giai đoạn của sự tranh cãi. Họ tranh cãi không phải để
Tác phẩm tiêu biểu: Cùng viết và dàn dựng: . Khúc nhạc lòng của vị mục sư, Đùa với tình yêu, Bay trên cô đơn, Đèn không hắt bóng, Bóng thiên nga, Yêu, Thử yêu lần nữa. . Dựng và diễn: Cơn mê cuối cùng, Hợp đồng hôn nhân, Trầu cau, Người điên trong ngôi nhà cổ, Ảo ảnh tình... . Đang dựng: Chuyện của Diễm (tác giả Ngọc Linh, Ái Như dựng, Thành Hội diễn)
giành phần thắng thua mà là để thuyết phục nhau. “Ai cảm thấy đuối lý thì tự động chấp nhận sự phục tùng” - Ái Như cười khẳng định. Họ cãi... cho đến khi kịch bản được đưa lên sàn tập mới thôi. Khi ấy, ai làm đạo diễn, người đó có toàn quyền! Mà nhìn lại, đa số “quyền” này thuộc về Ái Như và cô đã đem cái “ri rỉ” của một phụ nữ gốc Huế vào vở để rồi ở đó, bao giờ cũng có một nhân vật đáng nhớ do Thành Hội thủ diễn. Họ đặc biệt thành công với những đề tài tình yêu. Tình yêu muôn mặt, chung thủy có, phản trắc có, trẻ có, già có mà sự thành công của hai vở gần đây nhất: Yêu (Nhà hát “5B”) và Thử yêu lần nữa (IDECAF) đã làm cho “thương hiệu” của họ ngày càng uy tín trong lòng khán giả.
Bên ngoài sân khấu, Thành Hội - Ái Như vừa là bạn, vừa là anh em. Hai gia đình họ thân thiết nhau từ lâu. “Bà xã” của Thành Hội và “ông xã” của Ái Như là hai khán giả luôn ngưỡng mộ những vở kịch của họ và hằng năm cả hai gia đình đều tổ chức những chuyến đi du lịch chung. Tình cảm thân thiện của hậu phương vững chắc chính là động lực giúp cho Thành Hội - Ái Như luôn an tâm để sáng tạo nghệ thuật. Từng ấy thời gian với khá nhiều thành quả đã gặt hái, cái tên Thành Hội - Ái Như không còn là liên danh mà đã thực sự trở thành một tác giả, một dạng gần như tác giả Hà Triều - Hoa Phượng ngày nào ở sân khấu cải lương. Họ đẹp như một đôi thiên nga của sân khấu.
Bình luận (0)