Tập sách gồm 16 bài bút ký, Võ Đắc Danh viết về những thân phận từ đáng thương đến đáng giận của đồng hương mình - Cà Mau. Mảnh đất có một cái “đồng cỏ chát” mà trong lời bạt, nhà văn - nhà Nam Bộ học Sơn Nam cũng phải thốt lên: “Đồng cỏ chát là ở đâu?” mà “chừng gặp tác giả hỏi ra mới biết, đó không phải là một địa danh mà là một cánh đồng giữa rừng U Minh Hạ, cánh đồng mọc toàn cỏ chát, một loại cỏ “ăn hại”, kẻ thù của cây lúa và luôn cả các loài cỏ khác trên vùng đất phèn”. Ở đó có một chị Thiện sống trong tận cùng của nỗi khổ. Lấy chồng vì sợ bị liệng lựu đạn, đến khi nuôi con thì một đứa con gái chết vì bệnh, một đứa con trai chết vì té sông do ráng nhổ củ sả ăn cho đỡ thèm quà bánh. Nhưng ở mảnh đất quê hương đó không chỉ có một chị Thiện quá khổ vì sự dốt nát và xấu bụng của anh chồng, mà còn có chị Hấn (Chuyện cũ), người giàu nhất xóm Rau Dừa, đã bán hết tài sản để làm cơ sở cách mạng, chỉ vì sự tắc trách, lạnh lùng của một người có trách nhiệm mà thành tay trắng sau ngày hòa bình, vợ chồng dắt díu nhau làm thuê, ở mướn. Hay như chị Năm Nhi (Người mẹ chưa được tôn vinh), một trong ba người phụ nữ ở Khánh Bình Đông, một quê nghèo hẻo lánh nhất của Cà Mau, trực tiếp tham gia “bẻ gãy” chiến dịch Nhổ cỏ U Minh của địch bằng việc gài bom tiêu diệt hoàn toàn 10 chiếc tàu địch, mười mấy năm sau hòa bình vẫn sống trong căn chòi lá, làm vườn, làm ruộng thuộc diện nghèo gay gắt. Vậy mà chị nuôi được bốn con vào đại học nhưng đã không dám chạy vạy mượn hai cây vàng để kiếm việc làm cho con vì sợ lương tâm nghề nghiệp của con không còn trong sáng khi biết chuyện.
Nhưng phía sau những mảnh đời khốn khổ cùng cực ấy vẫn còn le lói những tấm lòng làm điểm tựa như anh chàng Khởi (Gã khùng), khùng nhưng là người chồng, người cha hết mực thương vợ, thương con, hay như anh Ba Phúc (Thà đui mà giữ đạo nhà), thương binh 1/4, bị mù đôi mắt nhưng không dựa vào tiền cấp dưỡng mà phấn đấu trở thành chỗ dựa cho bà con trong xóm, cho mượn dài hạn không tính lãi lên đến 50 lượng vàng.
Bằng một giọng kể mộc mạc, giản dị, người ta đọc thấy ở tác giả sự chia sẻ sâu sắc, có khi như lời trách cứ, có lúc như tiếng thở dài chịu đựng không chỉ của một người làm văn, làm phim mà còn là của một người em, người bạn trong một nhà, một xóm.
Sau Nỗi niềm U Minh Hạ (tập bút ký xuất bản năm 2001), Đồng cỏ chát lần nữa, lại đưa người đọc trở lại vùng đất Cà Mau quê anh - một nơi có tiếng là vựa lúa miền Nam - mà còn biết bao thân phận đau khổ- nỗi đau không chỉ ở thân xác.
Bình luận (0)