Vì sao anh lại làm phim Thời chiến họ còn rất trẻ? Đạo diễn Văn Lê, người còn rất yếu sau ca mổ thận, bỗng trở nên sinh động khi nói về những con người đang thu hút tâm tư anh. Văn Lê cho biết anh muốn hâm lại tình cảm với những con người đã có một cách sống đầy cao quý. Trong hoàn cảnh thế giới đang có nhiều bất an, nước mạnh đang tìm cách nắm quyền lãnh đạo thế giới, bộ phim nhằm nhắc lại việc các nữ chiến binh đã sống và chiến đấu như thế nào để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Họ đã sống ra sao vào những năm tháng ấy, bằng cách nào họ vượt qua tai ương để hoàn thành nhiệm vụ? Đó là điều anh muốn khắc họa. Mặt khác, Văn Lê cũng hy vọng sau khi xem cuộc sống vẫn còn rất khó khăn của những phụ nữ anh hùng năm xưa, người xem có thể biết sống tốt hơn, bớt kèn cựa tranh giành nhau.
Đoàn làm phim đã đi đến vùng sâu nhất của tỉnh Lâm Đồng: xã Đồng Nai thượng, vượt qua đường rừng để gặp hai nhân vật người dân tộc Stiêng: chị Điểu Thị Hơn và chị Điểu Thị Roi. Điểu Thị Hơn là người phụ nữ mà vào lúc khó khăn nhất (quân Mỹ càn vào xã, giết chết bốn bí thư xã trong vòng một tháng mà người bí thư thứ tư chính là chồng chị), đã tự đứng ra nhận nhiệm vụ khó khăn: tiếp bước chồng làm bí thư xã. Chôn cất chồng xong, chị vừa địu hai con, vừa sản xuất, vừa đánh giặc, vừa vận động nhân dân chiến đấu cho tới ngày toàn thắng.
Chị Điểu Thị Roi từng là dũng sĩ diệt Mỹ, chiến đấu liên tục cùng với đội du kích xã Đồng Nai thượng, bảo vệ vững chắc xã cho đến ngày thắng lợi. Cuộc sống của hai chị hiện nay rất khó khăn: nhà rách, vách nát và đôi lúc vẫn ăn những thứ rau rừng như thời chiến. Bởi vùng các chị sinh sống hiện thuộc vành đai bảo vệ rừng Cát Tiên, nằm trong quy hoạch phải di dời, không được phát rừng, phát rẫy, song sẽ dời đi đâu hiện vẫn chưa rõ.
Bộ phim cũng tìm đến các cựu chiến sĩ nữ pháo binh ở Long An, Cái Nước (Cà Mau) và các nữ chiến sĩ ở Tiểu đoàn Bộ binh 267 Phân khu 2, những người tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968. Một trong những người gây xúc động mạnh là chị Võ Thị Mô, nguyên huyện đội phó huyện Củ Chi, dũng sĩ diệt Mỹ, người đã từng được in hình trên con tem VNDCCH, song bản thân chị bị một số cán bộ địa phương đối xử không tử tế. Bây giờ, sau một thời gian dài đau khổ, chị đã được minh oan, được trả lại danh dự.
Đạo diễn Văn Lê nói rằng bộ phim được thực hiện không phải để kể khổ thay cho các chị mà chính là nhằm ca ngợi phẩm chất cao quý của các chị, những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân trên chiến trường Nam Bộ. Bộ phim dự định có thời lượng 35 phút và ra mắt người xem vào cuối tháng 4- 2003.
Bình luận (0)