xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗ lực xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD (*): Phát triển cà phê đặc sản và chế biến sâu

NGỌC ÁNH - HOÀNG THANH - CAO NGUYÊN

Một cách để nâng giá trị cà phê chính là đầu tư vào phân khúc cao cấp

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột - nói rằng hơn 10 năm trước Việt Nam gần như vắng mặt trong các sự kiện của cà phê đặc sản quốc tế. Từ trăn trở đó, Simexco đã tiên phong, đồng hành với nông dân phát triển cà phê đặc sản Việt Nam bằng quy trình nghiêm ngặt.

Nâng giá trị gấp 2-4 lần

Đây là loại cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến khắt khe. Đặc biệt, khi thử nếm có hương vị riêng và phải đạt từ 80 điểm trở lên (thang điểm 100) theo tiêu chuẩn, quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI).

Theo ông Huy, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam, quy tụ hàng trăm lô hàng cà phê đặc sản của cả nước tham dự. 

Khi có được những lô hàng của Việt Nam đoạt giải, Simexco tổ chức xúc tiến thương mại đi khắp thế giới. Đến nay, nhiều loại cà phê đặc sản Việt Nam đã bán được cho các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Ý, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Úc, giá trị được nâng cao gấp 2-4 lần so với cà phê thương mại.

Nỗ lực xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD (*): Phát triển cà phê đặc sản và chế biến sâu- Ảnh 1.

Sơ chế cà phê hữu cơ tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: VÂN ANH

Cùng với Đắk Lắk, Gia Lai là 1 trong 8 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lựa chọn để triển khai đề án phát triển cà phê đặc sản giai đoạn 2021 - 2030. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển khoảng 1.170 ha diện tích cà phê vối đặc sản, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2026 - 2030, nâng diện tích cà phê vối đặc sản lên gấp đôi, tức 2.340 ha.

Theo ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai), hiện nay người tiêu dùng thường tin tưởng, lựa chọn những loại cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản của địa phương để thưởng thức. Do đó, việc phát triển vùng nguyên liệu sạch, chất lượng cao gắn liền với văn hóa cà phê càng có ý nghĩa lớn.

Tiềm năng từ chế biến sâu

Bên cạnh việc phát triển cà phê đặc sản để nâng vị thế cho cà phê Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực này nhấn mạnh chế biến sâu chính là cách để nâng giá trị cà phê xuất khẩu của Việt Nam lên cao gấp nhiều lần hiện tại.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết những năm qua tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng, hình thành các chuỗi sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt cũng như xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm và đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Để đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế, hiện Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đang nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản tại một số vùng. Việc này sẽ khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu sản phẩm cà phê.

Ngoài các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước có các DN như: Trung Nguyên, Vĩnh Hiệp, Intimex, Phúc Sinh, Tín Nghĩa... đầu tư mạnh vào chế biến.

Một thống kê cho thấy nếu như năm 2013, tỉ lệ chế biến chỉ chiếm 1,7% lượng cà phê xuất khẩu thì năm 2023 đã tăng lên 12,5% và tương lai sẽ còn tăng do nhiều nhà máy cà phê chế biến mới đầu tư đi vào hoạt động. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, cho biết công ty đã đầu tư nhà máy công suất 4.000 tấn cà phê sấy phun/năm đi vào hoạt động năm 2019, đến nay đã đạt 100% công suất. Do đó, Intimex đã triển khai dự án nâng công suất thêm 4.000 tấn/năm với vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD.

Theo ông Đỗ Hà Nam, đầu tư chế biến sâu ngoài vấn đề vốn lớn thì việc tìm đầu ra không dễ dàng bởi đây là ngành thực phẩm cần sản xuất đáp ứng thị hiếu tiêu dùng cùng thương hiệu mạnh để người tiêu dùng tin tưởng chọn mua. Hiện tại, Intimex chủ yếu bán sản phẩm là bán thành phẩm để các nhà máy khác chế biến ra thành phẩm cuối cùng. 

"Đây là lĩnh vực khó làm nhưng nếu thành công thì tỉ suất lợi nhuận cao hơn kinh doanh nguyên liệu rất nhiều. Tiềm năng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu đang rất tốt khi được các nước nhập khẩu giảm thuế (trước đây chỉ miễn thuế cà phê nhân - PV). Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có nhu cầu về cà phê Việt Nam rất lớn với tốc độ tăng trưởng đến 35%/năm" - ông Đỗ Hà Nam cho biết.

Về mảng chế biến cà phê, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2030, sản lượng cà phê chế biến sâu đạt khoảng 20% - 25% tổng sản lượng cà phê cả nước. Khối lượng cà phê xuất khẩu đến năm 2030 đạt khoảng 80% - 85% tổng sản lượng cà phê cả nước; trong đó cà phê rang xay chiếm khoảng 5% - 6%, cà phê hòa tan từ 19% - 20%. 

Tín hiệu tích cực của cà phê hữu cơ

Vào ngày 19-3 vừa qua, tại Gia Lai, sau 2 năm đàm phán, lô hàng cà phê hữu cơ đầu tiên của Việt Nam khối lượng 40 tấn đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá bán khoảng 150.000 đồng/kg. Doanh nghiệp xuất khẩu là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) đã đầu tư mảng cà phê hữu cơ từ năm 2016 với diện tích 42 ha đã được chứng nhận.

"Hơn cả một lô hàng xuất khẩu thành công, đây còn là niềm tự hào khi Vĩnh Hiệp đã tiên phong mở một hướng đi mới cho ngành cà phê Việt Nam, nâng cao giá trị cho nông dân sản xuất cà phê" - bà Trần Thị Lan Anh, phó giám đốc công ty, nói.

Lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định không vì cơn sốt giá cà phê hiện nay mà bỏ qua chất lượng canh tác, chỉ chạy theo giá bán và sản lượng, ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Robusta Việt Nam.

Chiến lược đường dài trong việc nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam là cập nhật theo xu hướng phát triển xanh - bền vững để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường trên thế giới.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-3

Kỳ tới: Sự lớn mạnh của các chuỗi cà phê Việt

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo