Tại Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) TP HCM có một sự thật là mỗi khi báo chí cần xác minh, phỏng vấn về trường hợp CSGT có dấu hiệu tiêu cực để minh bạch vấn đề thì luôn bị người có trách nhiệm né tránh bằng những yêu cầu về thủ tục giấy tờ kiểu "câu giờ".
Mới đây, khi clip "Bị đánh sau khi quay CSGT đang làm việc" và hiện tượng "làm luật" ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất được đăng tải, lập tức, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, đã lên tiếng với tinh thần cầu thị và quyết liệt làm rõ vấn đề.
Tuy nhiên, ở một thái cực khác, là thuộc cấp của Giám đốc Công an TP HCM và cũng là người chịu trách nhiệm trực tiếp liên quan đến những hiện tượng nhức nhối nêu trên nhưng không hiểu sao trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt (PC67) Công an TP HCM, lại luôn tìm cách né tránh báo chí.
Mỗi khi phóng viên đề cập tới những thông tin cần được kiểm chứng để giúp người dân hiểu rõ bản chất vụ việc thì ngay lập tức nhận được câu trả lời: "Hãy gửi công văn, chúng tôi sẽ phản hồi bằng văn bản".
Ngặt nỗi là khi cơ quan báo chí làm đúng yêu cầu của ông trưởng phòng là "gửi văn bản" thì mọi việc lại càng trở nên "rối như tơ vò".
Có tờ báo cứ ngỡ là làm "đúng quy trình" rồi, hẳn sẽ được hồi âm cầu thị, rõ ràng. Ấy vậy mà họ cứ đợi dài cổ, đến khi bạn đọc tỏ ra bức xúc vì không được người có thẩm quyền lên tiếng thì các nhà báo lại đi xác minh vấn đề bằng… một nguồn tin khác!
Phương pháp xử lý của đơn vị này cũng chẳng kém nhiêu khê. Đơn cử như vụ người đi đường "Bị đánh sau khi quay CSGT đang làm việc". Rõ ràng clip này xuất phát từ internet, không khó để PC67 tải về để làm tài liệu tham khảo nhưng vị trưởng phòng lại cử cán bộ đến trực tiếp từng tờ báo đăng tải thông tin (dẫn nguồn từ trên internet) này để đề nghị cung cấp tư liệu?
Và đây không phải là lần đầu tiên PC67 làm như thế. Bởi chỉ mới đây, ông trưởng phòng lại thêm lần nữa thực hiện "động tác" gửi công văn yêu cầu Báo Người Lao Động cung cấp hình ảnh, tư liệu có liên quan đến bài viết "Người lạ" bên chốt giao thông vì cho rằng nội dung chưa phản ánh cụ thể hành vi vi phạm.
Mặc dù thể hiện được những ngôn từ cầu thị nhưng nếu xem xét kỹ thì người đọc có thể nhận ra nội hàm bên trong của công văn này bao phủ một hướng tiếp cận khá thụ động và thậm chí là có dấu hiệu bất lực trong việc xác minh thông tin phản ánh hiện tượng tiêu cực.
Báo chí có trách nhiệm nêu lên những hiện tượng xảy ra trong xã hội. Báo chí không có trách nhiệm kết luận vấn đề thay cơ quan hữu trách.
Việc làm thế nào để chứng minh được thuộc cấp của mình có sai phạm hay không, ở mức nào không phải trách nhiệm của báo chí mà là nhiệm vụ của chính người đứng đầu. Vì thế, thay vì gửi một văn bản đầy hình thức theo kiểu "đánh đồng trách nhiệm" đến cơ quan báo chí thì nên cử tổ công tác đến để tiếp nhận bằng chứng (theo đúng quy định pháp luật) thì tinh thần phối hợp đó sẽ đúng nghĩa, chặt chẽ và hợp tình hợp lý hơn.
Cũng nhân đây, chúng tôi xin nhắc lại quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định 25/2013 của Thủ tướng, quy định: "Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính thì người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là một ngày kể từ khi vụ việc xảy ra".
Và thêm lần nữa, chúng tôi xin nhắc lại rằng khá nhiều công văn mà Báo Người Lao Động gửi cho PC67 Công an TPHCM về nhiều hiện tượng mãi lộ trong ngành, đến nay vẫn chưa được phản hồi.
Hơn ai hết, những người có trách nhiệm trong bộ máy công quyền hiểu rằng một khi luồng thông tin nào đó tạo thành điểm nóng (kể cả tích cực hoặc tiêu cực) thì trách nhiệm của họ là phải có phát ngôn sớm nhất trong thẩm quyền cho phép (ít nhất là tiếng nói về tinh thần) để mọi việc được khách quan, minh bạch.
Đó là trách nhiệm bắt buộc và cũng là "phép thử" thể hiện sự bản lĩnh của người đứng đầu.
Công luận luôn luôn cần điều đó!
Bình luận (0)