Chỉ cần nhìn vào lương hưu cô giáo mầm non Hà Tĩnh 1,3 triệu đồng/ tháng với một cựu tổng giám đốc công ty nước ngoài hưởng 101 triệu đồng là đã thấy mặn chát, đắng nghét, nuốt không trôi! Con số chênh lệch 100 lần đó đủ làm nản lòng những công chức cả đời liêm khiết, tận tụy. Còn sức khỏe để gắng sức cống hiến mà lương sống không nỗi thì mong gì an nhàn lúc về hưu.
Sự bất hợp lý về chi trả lương nảy sinh nhiều tiêu cực trong cán bộ, công chức Ảnh minh họa
Hội thảo Cải cách chính sách tiền lương kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam do Ban Chỉ đạo về Cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công tổ chức gần đây nêu lại chuyện cũ. Đó là việc trả lương trong khu vực công ở Việt Nam vẫn chẳng giống ai (!?). Lương công chức khu vực hành chính và người làm công ăn lương ở khu vực doanh nghiệp vênh nhau cả chục lần.
Bất công nhiều năm rồi ai cũng thấy. Lương không đủ sống, lương chừng nào thì làm chừng ấy. Cứ làm việc nhàn nhàn, làm nhiều cũng hưởng thế thôi. Lương không tăng mà vợ nhăn: tiền xăng, tiền điện, tiền sữa, tiền tiền... nhảy giá thì tiếp dân vui sao nổi. Phải thêm thủ tục chỗ này, vòi vĩnh chỗ khác thì mới có "chi phí tăng thêm". Vô số hệ lụy nhức nhối của nền hành chính hiện nay nảy sinh từ chính tâm lý tiêu cực của công chức bất mãn về lương.
Vậy nên nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tiền lương danh nghĩa của Việt Nam quá thấp nhưng phụ cấp quá nhiều, thành ra công chức có sống nhờ vào lương đâu. Phần phụ đã trở thành phần chính!.
Cải cách tiền lương bao năm qua nói cho cùng để đạt mục tiêu quan trọng nhất: Cán bộ, công chức đủ sống bằng lương. Song trải qua hơn 4 lần cải cách tiền lương, mục tiêu ấy vẫn rất xa vời.
Chính sách tiền lương hiện hữu bộc lộ nhiều khiếm khuyết: Thang lương chưa công bằng trong đãi ngộ lao động, hầu như xây dựng dựa trên cấp bậc chính quyền, cấp bậc hành chính; khuyến khích công chức phấn đấu đạt được các chức vụ. Tâm lý cố gắng "leo cao" dẫn đến nạn bè phái, ô dù, đấu đá, tranh giành, tham nhũng, bằng cấp giả, chạy chọt… Bộ máy Nhà nước bởi thế tồn tại những quan chức có quyền lực nhưng không có năng lực.
Hãy đặt đúng vị trí của tiền lương đối với công chức trong hệ thống chính sách thu hút và sử dụng nhân tài. Muốn vậy cần cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước hướng tới việc bố trí chi hợp lý, tiết kiệm hơn để có nguồn cho cải cách tiền lương.
Thực hiện "tiền tệ hoá đầy đủ tiền lương" để chấm dứt đặc quyền, đặc lợi (thành văn hay bất thành văn) của một nhóm quan chức.
Lương nên gồm 2 phần: "Phần cứng" phản ảnh năng lực, trình độ, kỹ năng... có mẫu số chung. "Phần mềm" phản ảnh những biến động, trượt giá, phụ cấp...
Lương công chức làm ở khu vực hành chính ở các cấp độ được thiết kế tương ứng với lương người làm trong khu vực doanh nghiệp (lấy trung bình cộng của 100 doanh nghiệp tiêu biểu trên cả nước). Lương một người công chức hành chính nào đó bằng lương người làm trong doanh nghiệp có trình độ như nhau.
Tiền lương phải là động lực chính để công chức gắn bó với cơ quan nhà nước, tận tụy với công vụ, có điều kiện thăng tiến dựa vào tài năng, trí tuệ của chính mình, không cần tham nhũng.
Bình luận (0)