Thưa ông Nguyễn Đức Kiên, ông muốn tranh luận một cách có khoa học, thì tôi với tư cách là một người dân xin đứng ra tranh luận với ông. Mong ông trả lời và phản biện lại một cách khoa học và nhân văn nhất, để người dân chúng tôi tâm phục, khẩu phục. Chứ theo cách ông nói, tôi thấy toàn là lý thuyết, thiếu tính thực tế.
Nói phải có bằng chứng đúng không ông? Vậy, tôi xin phản biện lại toàn bộ vấn đề ông "đòi" tranh luận trên phương tiện truyền thông thế này:
Thứ nhất: Theo ông thì cách phân cấp giàu nghèo tạm tính bằng phương tiện giữa một bên là người giàu đi ô tô và một bên là người nghèo đi xe 2 bánh.
Vậy ông có số liệu nào thống kê ô tô (các loại từ xe con 4 chỗ đến xe container 40 feet) không? Ông có công nhận ô tô cá nhân phục vụ cho người giàu là xe 4 chỗ và 7 chỗ thôi đúng không? Mà trong số xe 4 đến 7 chỗ đó bao nhiêu % là xe sử dụng cho mục đích kinh doanh? Bao nhiêu % là xe công của nhà nước? Và còn lại bao nhiêu% là xe của giới nhà giàu phục vụ cho việc đi lại, chơi bời?
Thứ hai: Ông nói các dự án BOT giao thông rút ngắn được thời gian hành trình, tức là giảm được nhiên liệu tiêu hao sao không tính toán giảm chi phí vận chuyển.
Nói thì phải dẫn chứng, vậy xin ông chỉ rõ trong số những dự án BOT giao thông đang bị người dân và giới tài xế phản đối hiện nay, thì dự án BOT nào rút ngắn được thời gian hành trình?Tuyến tránh Cai Lậy, Biên Hòa hay QL5 cũ?
Thứ ba: Ông nói doanh nghiệp vận tải đang cố tạo ra một hình ảnh như là họ đang bị bóc lột, chèn ép.
Ông nói cứ như thật thì phải chỉ cho nó thật chứ đừng nói theo suy luận kiểu đó, như vậy là hại dân đấy ông ạ. Bởi cái thật ở đây mà tôi thấy là doanh nghiệp vận tải không cho xe lưu thông vào các dự án BOT nhưng vẫn bị bắt trả tiền thu phí, có trường hợp đi vào chỉ từ 2 đến 3 km hoặc có trường hợp không sử dụng một mét nào cũng phải trả đủ phí. Như vậy mà ông nói là họ cố tình tạo ra hình ảnh thương tâm rằng mình bị chèn ép hay bóc lột mà được hả ông?
Thứ tư: Ông nói doanh nghiệp vận tải không sòng phẳng khi không chia sẻ lợi nhuận với khách hàng.
Thưa ông, đây là cơ chế thị trường, nên nếu thực sự có hiệu quả về kinh tế mà doanh nghiệp nào không chia sẻ để cạnh tranh thì doanh nghiệp đó tự sa thải mình rồi ông ạ!
Mà đã là kinh tế thị trường thì doanh nghiệp phải tính tất cả các chi phí vào giá cả ông ơi, vậy người nghèo không gánh cho phần tăng giá là gì (?!).
Thứ năm: Ông trách báo chí góp phần làm nóng hổi thêm vấn đề BOT gây bức xúc hiện nay.
Tôi không phải người làm báo nhưng nói thật tôi thực sự không hài lòng thay cho họ bởi ông nói quá vô lý nếu không muốn nói là "vu oan" cho truyền thông.
BOT giao thông là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng, nhà nước ta; đã tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cũng phát sinh không ít bất cập, gây bức xúc dư luận xã hội... Ai cũng biết báo chí luôn phải là cơ quan phát ngôn của quảng đại quần chúng, phản ảnh kịp thời những biến động của xã hội. Và tôi thấy rằng họ đã phản ánh đầy đủ, trung thực đấy chứ, thưa ông!
Thứ sáu: Thưa ông, tôi tin chắc rằng với vai trò là Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội thì chắc ông đã biết trong báo cáo của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra từng dự án sai ở chỗ nào, phải chỉnh sửa ở chỗ nào, làm rất rõ ràng. Rồi báo cáo cũng nêu 16 nhóm giải pháp để xử lý bất cập BOT cũng rất rõ ràng. Như vậy, chính ông cũng đã thừa nhận là BOT đâu phải không có sai phạm đúng không?
Vậy sao ông không nói rõ các sai phạm mà Đoàn giám sát đã chỉ ra để tìm ra hướng giải quyết kịp thời mang tính cấp bách. Đây mới là điều ông cần nói chứ đừng nói thêm những lời mang tính nước đôi nữa. Ông làm như vậy khiến cử tri chúng tôi rất buồn.
Bình luận (0)