Ảnh: CTV
Phải chờ gần 1 tuần sau ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, chúng tôi mới "dám" đăng tấm ảnh thật buồn này, bởi sợ làm mủi lòng ngành giáo dục.
Nhìn hình ảnh ngôi trường sơ sài nằm dựa bên núi, sân trường hẹp và lầy lội, mấy chục em ngồi xổm để khỏi ướt, chỉ lèo tèo mấy cái ghế nhỏ đủ cho vài em dùng, học sinh nghèo và nhếch nhác, giáo viên cũng chẳng khá hơn, thấy mà thương!
Hiện còn có hàng ngàn điểm trường như thế, ngay trên đất nước này, trong thế kỷ 21 văn minh, vào thời của cách mạng 4.0 mà chúng ta đang "hò hét".
Và hôm qua, 9-9, nhiều người bàng hoàng khi hay tin một nữ giáo viên THCS ở huyện An Dương, TP Hải Phòng đã uống thuốc ngủ tự tử vì uất ức do bị chuyển trường.
Đang dạy ở trường An Đồng, cô bị chuyển về trường Quốc Tuấn cùng huyện nhưng xa, cách đó 12 km.
Cô ấy có chồng là bộ đội công tác ngoài hải đảo, một mình nuôi 3 con nhỏ nên lẽ ra phải được ưu tiên. Đằng này, sau khi nhận quyết định điều chuyển, nữ giáo viên ấy nhiều lần làm đơn xin xem xét nhưng chẳng ai nghe.
Tôi biết, trên cả nước những tuần qua, hàng ngàn giáo viên bị điều chuyển một cách bất chấp như thế. Nhiều người trong số ấy có hoàn cảnh đặc biệt éo le nên kêu cứu mà vẫn bị bỏ ngoài tai, khiến họ bức xúc vô cùng.
Ngành giáo dục và chính quyền địa phương thì luôn bảo điều chuyển là đúng chủ trương, đúng quy trình; đến khi có người "chết vì tức" thì mới đem cái quy trình ấy ra coi lại.
Ở một góc nhìn khác, có thể gọi đó là sự vô cảm cũng chẳng sai.
Trở lại với tấm ảnh lễ khai giảng. Thật khó tìm kiếm sự công bằng tuyệt đối cho tất cả nhưng không có nghĩa là chấp nhận để sự thiệt thòi của trò và thầy vùng cao, vùng xa mãi kéo dài.
Bởi ở những nơi đó quan chức vẫn thừa tiền xây biệt phủ, bởi nhà chức trách còn mạnh miệng đề xuất xin hơn ngàn tỉ xây tượng đài hoặc xây bảo tàng.
Bởi vào thời gian này, Bộ Giáo dục và Đào tạo háo hức trước chương trình giáo dục của Bắc Âu, toan nhập khẩu chương trình dạy và học từ Phần Lan.
Bộ đã bác thông tin "nhập khẩu" nhưng vẫn còn nợ toàn dân về chất lượng của Chương trình VNEN (cũng nhập khẩu) đang bị nghi ngờ và nhiều nơi từ chối áp dụng.
Trong lúc hàng triệu học sinh miền núi bữa cơm còn thiếu thịt cá, quần áo không đủ ấm đi học, trường lớp còn tuềnh toàng và thầy cô giáo còn chật vật với cơm áo gạo tiền thì "cỗ máy cái" phải biết chi dùng hợp lý.
Và nhìn lại tấm ảnh trên, liên hệ với chuyện lãnh đạo OceanBank đút lót cho quan chức ngành dầu khí mỗi ông hàng chục tỉ đồng để phè phỡn chi xài cá nhân, có trường hợp mang mấy bao tải tiền đến biếu xén tận nơi, một lần nữa lại thấy nhói lòng và căm phẫn trước sự vô cảm dâng đến tột cùng.
Bình luận (0)