xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%

Minh CHIẾN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%, với tinh thần "Năm quyết tâm", "Năm bảo đảm" và "Năm đẩy mạnh"

Ngày 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024, đề ra nhiệm vụ công tác tháng 4 và quý II/2024; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; kết quả thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV…

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết GDP quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2% - 5,6%) là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay.

Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, ước tăng 6,28%, trong đó công nghiệp tăng 6,18%; khu vực nông - lâm - thủy sản và dịch vụ lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương tăng trưởng quý I cao gồm Bắc Giang (14,2%), Thanh Hóa (13,2%), Trà Vinh (13,9%), Khánh Hòa (12,4%), Quảng Ninh (8,9%), TP HCM (6,54%), Hải Phòng (9,3%), Hà Nội (5,5%)…

Các đại biểu cho rằng bên cạnh thành tựu vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần nỗ lực vượt qua như: Sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; áp lực lạm phát, tỉ giá là vấn đề cần quan tâm; thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro; nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại ĐBSCL và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn...

Lãnh đạo các địa phương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện một số kiến nghị như sớm phê duyệt một số dự án quan trọng trên địa bàn, nhất là các dự án phát triển hạ tầng; tiếp tục cụ thể hóa các chương trình, đề án, nhất là việc phân cấp xử lý thủ tục các dự án thuộc 3 chương trình, mục tiêu quốc gia, đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; khắc phục việc thiếu các chuyến bay hàng không phục vụ nhu cầu đi lại; hoàn thiện các quy định về nuôi biển…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họpẢnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họpẢnh: TTXVN

Làm việc nào dứt điểm việc đó

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận mặc dù kết quả đạt được là cơ bản nhưng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỉ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỉ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh. Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét...

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, công tác điều hành cần quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Thủ tướng lấy dẫn chứng việc các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đạt 99,96%, việc này đã hoàn thành trong vòng 3 tháng thay vì 2 năm. 

Tương tự, dự án đường dây 500 KV mạch 3 chậm trễ nhiều năm nhưng hiện cơ bản bảo đảm tiến độ để hoàn thành vào tháng 6-2024. "Hai ví dụ này cho thấy cần quyết tâm cao và cách làm đổi mới để thúc đẩy công việc" - Thủ tướng nêu rõ.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%, với tinh thần "Năm quyết tâm", "Năm bảo đảm" và "Năm đẩy mạnh". 

Đối với "Năm quyết tâm", Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản". Cùng với đó, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Song song đó, giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi; thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế; phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Từ thực tế doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ban hành theo thẩm quyền chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024; thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng quán triệt đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, gồm chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen.

Về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế trong các đột phá chiến lược, ngay trong tháng 4 cần hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. 

Bảo đảm quyền lợi cho khách hàng gửi tiền

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024 vào chiều cùng ngày, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin về vụ việc Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc Trung tâm Khách hàng cá nhân - Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) chi nhánh Thanh Xuân (TP Hà Nội). Bị can Bùi Thị Hoài Anh bị cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt hơn 338 tỉ đồng của khách hàng.

Theo ông Đào Minh Tú, thời gian qua xảy ra một số vụ việc tiền trong tài khoản của khách hàng bị mất. Các vụ việc này xảy ra ở một số ngân hàng hoặc một số phòng giao dịch. Sau mỗi vụ việc, Ngân hàng Nhà nước đều tổ chức rút kinh nghiệm chung cho các ngân hàng.

Đối với vụ việc tại MSB Thanh Xuân, ông Đào Minh Tú cho biết cần căn cứ trên kết quả điều tra của cơ quan công an để xác định trách nhiệm, sai sót của MSB, cá nhân bà Bùi Thị Hoài Anh. Ông khẳng định quyền lợi chính đáng của khách hàng gửi tiền tại ngân hàng luôn được bảo vệ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo