Tại hội thảo "Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng có yếu tố lao động trong các quan hệ dân sự và thương mại" do Trường ĐH Luật TP HCM tổ chức, nhiều ý kiến được đưa ra nhằm phân biệt giữa tranh chấp lao động và tranh chấp dân sự… nhưng dường như chưa có sự thống nhất.
Không dễ nhận biết
TS Đỗ Ngân Bình - chuyên gia tư vấn pháp lý cao cấp về nhân sự, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Trường ĐH Luật Hà Nội - phân tích pháp luật quy định những tiêu chí nhận diện hợp đồng lao động (HĐLĐ) gồm tiền công, tiền lương; sự quản lý, điều hành, giám sát. Từ đó, TS Bình thắc mắc: "Tòa án sử dụng, đánh giá chứng cứ ra sao để nhận định hợp đồng giữa người lao động (NLĐ) với người sử dụng lao động (NSDLĐ) là HĐLĐ hay hợp đồng dân sự? Tòa án căn cứ vào tài liệu như thế nào nếu muốn nhận biết dấu hiệu tiền lương cũng như dấu hiệu quản lý, điều hành, giám sát?".
Pháp luật chưa rõ ràng trước giao kết giữa tài xế công nghệ với doanh nghiệp
Từ thực tiễn xét xử, một số thẩm phán ghi nhận nhiều tình huống kiện tụng khó nhận biết quan hệ tranh chấp. Thẩm phán Phạm Thị Thanh Trúc, Tòa Lao động TAND TP HCM, nhắc đến quá trình thụ lý vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, danh dự, uy tín bị xâm phạm trong quá trình thực hiện HĐLĐ. Vì Bộ Luật Lao động không đề cập nên thẩm phán phải "quay về" áp dụng pháp luật dân sự. "Tuy nhiên, phán quyết vấp không ít tranh cãi, phản biện từ đương sự, luật sư…" - nữ thẩm phán băn khoăn.
Thẩm phán Phan Văn Cành - TAND quận 1, TP HCM - nêu trường hợp NLĐ chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng đủ năm đóng BHXH và họ chấp nhận nghỉ việc, hưởng toàn bộ chế độ nhưng rồi người này lại khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ở TAND quận 1, HĐXX hòa giải thành 4 vụ việc như vậy. Theo ông Cảnh, trước đây, TAND TP HCM xét xử một vài vụ việc khác có tính chất tương tự rồi tuyên NLĐ thắng kiện và ông bày tỏ trăn trở về quyết định này.
Không nhất định phải căn cứ vào hợp đồng lao động
Tại hội thảo, luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền, Giám đốc điều hành BAVN Lawfirm, nhắc lại một vụ việc NLĐ đòi doanh nghiệp chi trả khoảng 1 tỉ đồng tiền lương dựa vào HĐLĐ. Ra tòa, NSDLĐ lập luận HĐLĐ chỉ là văn bản giả cách, hai bên không có quan hệ lao động thực sự vì thời điểm đó, nguyên đơn có nhu cầu lập một HĐLĐ để mở giao dịch ở ngân hàng. Doanh nghiệp không thanh toán tiền lương, tiền công; không quản lý, giám sát công việc nguyên đơn đảm nhiệm.
Kết quả, hai cấp xét xử đều kết luận hai bên không có quan hệ lao động thực chất. Từ đó, tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, bác yêu cầu khởi kiện. "Đây là trường hợp thể hiện rõ ràng quan điểm xét xử không lấy HĐLĐ làm cơ sở nhận diện quan hệ lao động khi giải quyết tranh chấp" - vị luật sư nói.
Về giải pháp, PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP HCM, khẳng định văn bản HĐLĐ không thể là tiêu chí nhận diện mối quan hệ lao động. Cơ quan pháp luật cũng như đương sự cần nhất quán dấu hiệu nhận biết quan hệ lao động là sự giám sát quá trình NLĐ đảm đương công việc.
PGS-TS Đỗ Văn Đại nhận thấy việc căn cứ tình tiết NLĐ không nhận lương từ doanh nghiệp rồi kết luận không có quan hệ lao động là không thỏa đáng. Bởi vì đây là lỗi từ phía NSDLĐ.
Còn TS Đoàn Phương Thu Diệp, Trưởng Phòng Thanh tra Trường ĐH Kinh tế - Luật TP HCM, cho rằng để nhận biết quan hệ lao động hay dân sự, tòa án thường dựa vào bảng lương (có thể lấy từ sao kê ngân hàng do NLĐ cung cấp). "NSDLĐ trả một khoản tiền đều đặn hằng tháng, hằng tuần hay hằng quý. Khoản tiền kể trên chính là tiền lương, thể hiện quan hệ lao động mang tính ổn định, liên tục. Đó là sự khác biệt giữa quan hệ lao động với những quan hệ dân sự khác" - TS Diệp giải thích.
Trị thói né giao kết lao động
Phản ánh tình trạng doanh nghiệp né HĐLĐ, TS Nguyễn Bình An, Khoa Luật Trường ĐH Bình Dương, đề xuất pháp luật nên tăng thêm chế tài xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự, mọi trường hợp tránh né. Phương án xử lý vi phạm sẽ ngăn chặn, hạn chế tình trạng sử dụng hợp đồng dân sự, thương mại nhằm che giấu quan hệ lao động.
Bình luận (0)