Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Tân tuyên phạt T. 9 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. T. kháng cáo xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, T. khai nhận trước đây chỉ đi sửa chữa lặt vặt, đây là căn nhà đầu tiên bị cáo nhận thầu và xảy ra tai nạn.
“Ai là người thiết kế sê-nô?” - vị công tố chất vấn. “Dạ, cháu bị cáo mới là người thực hiện” - T. chối tội. Vị công tố tiếp tục hỏi: “Cháu bị cáo là người trực tiếp thực hiện nhưng người tính toán số lượng nguyên vật liệu là ai?”. T. vẫn quanh co: “Chủ nhà là người mua nguyên vật liệu, không phải bị cáo”.
“Làm sao chủ nhà biết số lượng bao nhiêu mà mua? Chủ nhà đi mua là mua theo lời ai?” - vị công tố nghiêm giọng. Đến lúc này, T. mới lí nhí: “Dạ, là bị cáo…”. “Pháp luật quy định đứng ra nhận thầu xây dựng phải có chuyên môn, nghiệp vụ. Bị cáo cái gì cũng không có, cả giấy phép cũng không… Đi làm, phải có lương tâm nghề nghiệp chứ. Việc vượt quá tay nghề, khả năng của mình sao vẫn nhận làm?”. T. cúi đầu im lặng một lúc lâu rồi nói: “Bị cáo suy nghĩ đơn giản quá, với lại công trình nhỏ, bị cáo nghĩ mình có thể làm được, không ngờ hậu quả lại nặng nề như vậy. Bị cáo hối hận lắm…”.
Vị chủ tọa phiên tòa nói: “Đây là một bài học không chỉ với riêng bị cáo mà còn là với những người không có chuyên môn, nghiệp vụ vẫn vô tư nhận thầu xây dựng, không suy xét kỹ hậu quả có thể xảy ra cho mình và người khác”.
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định khi lượng hình, cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, vì vậy không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên mức án 9 tháng tù đối với bị cáo.
Bình luận (0)