Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Dương Thanh Tuấn (SN 1976), nhân viên kiểm định vàng tại Phòng Giao dịch Đầm Cùng thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Cái Nước cùng các đồng phạm Dương Minh Giỏi (SN 1983, em trai Tuấn) và Phan Văn Hải (SN 1979, cùng ngụ thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước) để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nhờ hơn 70 người đi cầm vàng
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Dương Thanh Tuấn đã móc nối cùng Dương Minh Giỏi và Phan Văn Hải đến Phòng Giao dịch Đầm Cùng (xã Trần Thới, huyện Cái Nước) thế chấp 677 lượng vàng giả để rút gần 20 tỉ đồng.
Bị can Tuấn khai nhận vào cuối năm 2009, vì mê cá độ đá bóng qua internet, Giỏi và Hải mỗi ngày thua từ 70-150 triệu đồng. Đến lúc không còn tiền để chơi, cả hai tìm đến Tuấn để bàn cách. Sau đó, Giỏi và Hải đi mua vàng giả ở các chợ rồi nhờ người quen đem đến phòng giao dịch cho Tuấn xác nhận là vàng thật, làm hợp đồng để cầm và rút tiền chia nhau.
Điều lạ là những trường hợp cầm cố do Tuấn xác nhận được thông qua dễ dàng, thậm chí Tuấn còn làm hợp đồng thay cả tín dụng viên. Để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo của mình, Tuấn, Giỏi và Hải đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của những người thân quen nhờ mang số vàng giả đến ngân hàng để cầm cố giùm. Cơ quan điều tra xác định hơn 70 trường hợp được 3 đối tượng nhờ đi cầm vàng, trong đó hơn một nửa là học sinh.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Mai (huyện Cái Nước), cho biết: Đến thời điểm này, có 14 học sinh tự giác trình báo với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, các em đang thi học kỳ II, rất hoang mang. Giáo viên chủ nhiệm chỉ biết động viên các em tập trung thi cử và thành thật khai báo với công an.
Rút tiền ngân hàng dễ như lấy đồ trong túi
Theo hồ sơ điều tra, nhiều người đến Phòng Giao dịch Đầm Cùng thế chấp vàng giả rút tiền thật chưa đến 18 tuổi, tức là chưa đủ tư cách pháp nhân để thực hiện giao dịch nhưng lãnh đạo ngân hàng vẫn không phát hiện và ký.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Chi nhánh Agribank huyện Cái Nước, giải thích: “Quy trình cầm cố vàng tại Agribank phải qua nhiều bộ phận, ít nhất qua 5-6 khâu mới có thể rút tiền. Thế nhưng, đối với Phòng Giao dịch Đầm Cùng, quy trình ấy được rút ngắn, cán bộ kiểm định có thể làm luôn cả hợp đồng cho vay và chỉ việc trình lãnh đạo ký là có thể rút số tiền lên tới vài trăm triệu đồng”.
Ông Trần Xuân Phong, Giám đốc Phòng Giao dịch Đầm Cùng, giải thích do nhân sự ở phòng giao dịch này còn thiếu nên nhiều lúc nhân viên kiểm định có thể làm thay công việc cho bộ phận khác và việc này đã diễn ra từ rất lâu. “Lãnh đạo cũng không theo dõi việc đối tượng đến cầm vàng có đủ tuổi hay không, hồ sơ đưa vào chỉ xem và ký thôi bởi có những lúc khách hàng rất đông” - ông Phong cho biết thêm.
Theo thượng tá Trần Thanh Lộng, Phó Trưởng Công an huyện Cái Nước, quy trình cầm cố vàng tại Phòng Giao dịch Đầm Cùng có nhiều sai sót. Đặc biệt, đối tượng chưa đủ tư cách pháp nhân, phòng giao dịch vẫn tiến hành cầm cố vàng và giao tiền cho các em hàng trăm triệu đồng.
“Thủ đoạn lừa đảo hết sức đơn giản nhưng do thiếu cảnh giác và cơ chế quản lý lỏng lẻo của ngân hàng đã tiếp tay cho các đối tượng rút ruột tiền tỉ” - ông Lộng nói.
Sợ bị đuổi học
Sau lần bị công an triệu tập tới nay, em Đ.Q.H (học lớp 11 Trường THPT Nguyễn Mai) mất ăn mất ngủ vì lo bị đuổi học. H. kể: Cách đây 3 tháng, T.D.T (học lớp 12 cùng trường) chạy xe máy chở H. sang nhà trọ của Giỏi nói chuyện nhờ cầm vàng tại Phòng Giao dịch Đầm Cùng. Do H. không có CMND nên Giỏi đưa CMND tên là Nguyễn Chí Đại và 1 bọc màu đen nói là vàng, không rõ bao nhiêu. “Người tiếp nhận, cân vàng, làm thủ tục rất dễ, không hỏi em lời nào. Chỉ sau 15 phút, kêu em vào ký nhận 200 triệu đồng. Sau đó, em đưa tiền cho T. để đưa cho anh Giỏi. Anh Giỏi cho em 300.000 đồng” - H. cho biết.
Bình luận (0)