xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Cha mẹ tôi vô tội!”

Bài và ảnh: Tố Trâm

Suốt 4 năm nay, em vẫn luôn đau đáu với câu hỏi: Làm sao để tìm ra công lý? Làm sao để lấy lại sự trong sạch, danh dự, nhân phẩm cho cha mẹ? Trong tận cùng khổ đau, mất mát, em vẫn tin vào công lý, hy vọng vào ngày đoàn viên

Sau Tết Nguyên đán, Báo NLĐ nhận được lá đơn chuyển qua đường bưu điện của cô gái có tên Huỳnh Thị Huyền Trâm (SN 1987, ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Dù là “Đơn xin kêu oan, cầu cứu” nhưng ngoài hình thức cần có của một lá đơn, đây thực chất là một bức tâm thư.
 
img
 
Hai bị cáo Huỳnh Văn Quyên - Lê Thị Tám tại phiên xử phúc thẩm ngày 3-3-2010
 
Những dòng tin nhắn
 
Gần một năm trước, trong phiên xử phúc thẩm ngày 3-3-2010 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM, tôi bắt gặp hình ảnh Huyền Trâm đứng chết lặng bên khung cửa sổ nhìn cha mẹ bị dẫn giải ra xe. Tôi đã không thể rời mắt trước dáng vẻ nhỏ bé, gương mặt lương thiện, hiền lành nhưng ánh mắt đau đớn đến tột cùng của em.
 

Nội dung vụ án
 
Theo bản án của TAND tỉnh Vĩnh Long, do mâu thuẫn với mẹ về những sinh hoạt trong cuộc sống cộng với việc không đồng ý mẹ bán đất chia cho các chị, Huỳnh Văn Quyên đã bóp cổ mẹ trong sự giúp sức của vợ, sau đó dùng xuồng bơi ra sông ném thi thể.
 

Xét xử phúc thẩm lần hai vào ngày 3-3-2010, HĐXX nhận định ngoài việc vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, lời khai của nhân chứng gián tiếp duy nhất (người phụ nữ đi hái trộm bưởi vào nửa đêm) có nhiều mâu thuẫn, bất nhất; kết luận giám định pháp y ngược lại với cáo trạng... HĐXX đã hủy toàn bộ bản án, trả hồ sơ về CQĐT Công an tỉnh Vĩnh Long để điều tra lại.

Từ những thông tin trong phiên xử, tôi quyết định liên lạc với em để viết bài “Xin trả lại gia đình cho em!” (Báo NLĐ ngày 6-3-2010). Trò chuyện với em, tôi nhận ra em là một cô gái hiếu thảo, giàu nghị lực và trên hết luôn tin tưởng vào sự trong sạch của cha mẹ và ánh sáng công lý. Cũng từ ngày ấy, em hay nhắn tin, gửi email cho tôi kể về cuộc sống hiện tại, về vụ án của cha mẹ em đến, nay sau gần một năm cấp phúc thẩm hủy án, trả hồ sơ điều tra lại vẫn giậm chân tại chỗ. Có khi em viết: “Ngày nào vào công ty, em cũng mở bài viết “Xin trả lại gia đình cho em!” của chị lên, nhìn ảnh cha mẹ một lúc rồi mới bắt đầu làm việc. Em sờ tay mình lên gương mặt cha mẹ, “cầm” bàn tay chai sạn trên màn hình mà cách đây 4 năm, ngoài đời thật, em không biết trân trọng. Những lúc
đó, em thấy lòng mình chùng xuống, đôi mắt nhòe đi... Nhưng ít ra em vẫn còn hạnh phúc hơn cha mẹ, còn được nhìn thấy cha mẹ trên màn hình. Cha mẹ em ở trong đó không thể nhìn thấy được mặt các con mình”. Cũng có khi chỉ một dòng tin nhắn: “Em khao khát một điều hết sức bình thường mà sao khó thực hiện quá!”.
 
Hay ngày em khoe với tôi đã tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, bên cạnh sự hân hoan vẫn trĩu nặng nỗi buồn: “Em đã tìm được cho mình một việc làm ổn định. Công việc của một nhân viên văn phòng khá nhẹ nhàng nhưng trong sâu thẳm trái tim, em chưa một phút bình yên, chưa một khoảnh khắc nào em thấy mình vui trọn vẹn. Càng ngày, em càng thấy mình khép kín hơn... Em thấy mệt mỏi với cuộc sống hiện tại. Giá như ngay giờ phút này, em có một mái ấm gia đình đúng nghĩa, có vòng tay ấm của mẹ, có những lời chia sẻ chân thành của cha... Như ngày xưa... Em nhận ra một điều thật đơn giản: Tình yêu của cha mẹ là tài sản lớn nhất của mỗi người con”.
 
Mỗi lần đọc những dòng tin nhắn, email của em, tôi lại rớt nước mắt  bởi không thể làm gì để giúp em dù trong thâm tâm, tôi tin rằng cha mẹ em vô tội. Vụ án giết người kéo dài đã 4 năm với nhiều lần hủy án, trả hồ sơ điều tra do có quá nhiều mâu thuẫn trong lời khai nhân chứng và chứng cứ, đến nay vẫn không chứng minh được tội phạm. Liệu việc kéo dài thêm thời gian tạm giam có tìm ra chứng cứ nào khác trong khi theo thời gian, mọi sự vật, hiện tượng và cả con người đều thay đổi?
 
Lá thư kêu oan đẫm nước mắt
 
Chúng tôi quyết định đăng nội dung lá đơn kêu oan của em với hy vọng lá thư có tình, có lý, gửi gắm tâm tư tình cảm của ba chị em Huyền Trâm cũng như toàn thể gia đình của hai bị can Huỳnh Văn Quyên (SN 1962) - Lê Thị Tám (SN 1967) sẽ đến được nơi cần đến. Bởi như em nói, tháng nào em cũng viết thư gửi các cơ quan có trách nhiệm để kêu oan cho cha mẹ nhưng vẫn không có hồi âm. Vì vậy, em quyết định gửi đơn đến Báo NLĐ nhờ giúp đỡ.
 
“Kể từ ngày bà nội tôi mất đến nay đã tròn 4 năm cũng là 4 năm cha mẹ tôi bị Công an Điều tra tỉnh Vĩnh Long khởi tố, bắt giam về tội giết người. Xử sơ thẩm, dù cha mẹ tôi luôn kêu oan nhưng TAND tỉnh Vĩnh Long vẫn tuyên cha tôi tù chung thân, mẹ tôi 13 năm tù. Mọi hy vọng bị dập tắt. Chiếc xe áp giải phạm nhân chạy vụt đi. Tôi đứng chết sững giữa sân tòa án. Tôi nghe được tiếng khóc của hai em, nghe được nỗi đau của cô bác, cậu dì, nghe cả tiếng nói cười, chửi bới của những người dân dự tòa... Ba năm trôi qua, kể từ phiên tòa sơ thẩm lần đó với tôi vẫn mới nguyên, vẫn đau xé lòng và đầy uất ức như mới hôm qua.
 
img
 
Huỳnh Thị Huyền Trâm bật khóc sau khi phiên tòa kết thúc, cha mẹ cô bị dẫn giải ra xe
Bỏ lại sau lưng nỗi đau và sự tủi nhục, chị em tôi và gia đình hai bên nội ngoại bắt tay vào kêu oan lên cấp phúc thẩm. Và nhen nhóm hy vọng... Hai lần mở phiên tòa phúc thẩm: Một lần tòa tuyên trả hồ sơ về Công an Vĩnh Long điều tra bổ sung, một lần tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại, đã phần nào cho chúng tôi lấy lại niềm tin vào công lý... Song 4 năm đã trôi qua... Bốn năm không dài đối với đời người nhưng đã quá đủ cho một kiếp người phải ngậm nỗi oan giết mẹ như cha mẹ tôi, là cơn ác mộng quá dài cho ba chị em tôi và cả gia đình hai bên nội ngoại phải sống trong đợi chờ, tủi nhục, chịu sự khinh khi, sỉ vả của dư luận...
 
Ông bà ngoại tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi, cái tuổi an nhàn, thảnh thơi bên con cháu, vậy mà ngoại tôi chưa một ngày được bình yên kể từ khi cha mẹ tôi bị bắt. Đêm nào, ngoại cũng trăn trở, thở dài vì thương nhớ con. “Đợi cha mẹ con về, nhìn thấy mặt rồi ngoại chết cũng thấy vui”, nghe ngoại nói mà lòng tôi thắt lại. Ngày 29 Tết rước ông bà, ngoại cứ ra cửa đứng trông. Ngoại nói: “Biết đâu mình dọn lên cúng rồi, vợ chồng nó về tới”. Ngoại cứ an ủi mình như vậy đã 4 cái Tết rồi.
 
Gia đình tôi trước đây êm đềm, đầm ấm biết bao nhiêu, bây giờ ngôi nhà trở nên hoang tàn, ruộng vườn không người trông coi, chị em tôi phải hứng chịu tiếng đời nguyền rủa, khinh khi, vừa đi học vừa đi làm thêm để trang trải cho việc học hành. Hạnh phúc bị thay bằng nỗi đau, tiếng cười thay bằng nước mắt. Bốn năm nay, chị em tôi mỗi đứa một nơi, phải sống nương nhờ ông bà, cô bác. Thỉnh thoảng, ba chị em về nhà cha mẹ ở một ngày, những câu hỏi ngây ngô của hai em đã nhiều lần làm tôi chết nghẹn: “Cưng nhớ cha mẹ quá không ngủ được!”, “Hổng biết chừng nào cha mẹ được về hả chị Hai?”.  Chúng tôi thèm được gọi “cha mẹ” như bao nhiêu người con khác, thèm được nhìn thấy bàn tay chai sạn của cha, đôi mắt thâm quầng của mẹ - những điều tưởng chừng đơn giản nhưng chị em tôi đã dồn nén trong lòng suốt 4 năm qua. Áp lực từ cuộc sống và hàng trăm câu hỏi không lời đáp khiến nhiều lúc chúng tôi muốn buông xuôi.
 
Nỗi đau mất mẹ của cha tôi đã lớn rồi, bây giờ lại ôm nỗi oan giết mẹ, tại sao gia đình tôi lại chịu oan ức nhiều đến vậy? Làm sao để tìm ra công lý? Làm sao để lấy lại sự trong sạch cho cha mẹ tôi? Còn phải làm gì khi kêu oan, chúng tôi đã kêu oan rồi. Chờ đợi, chúng tôi cũng đã chờ đợi. Mất mát, tủi nhục, cam chịu gì chúng tôi cũng đã cố gắng vượt qua. Chỉ mong được trả lại những năm tháng bình yên, được trả lại một người cha mẫu mực, một người mẹ hiền lành, một mái ấm đúng nghĩa. Vì cha mẹ tôi vô tội!
 

Tết năm nay, gia đình tôi vẫn lại tiếp tục sống trong một cái Tết đầy oan ức, tủi nhục, chia lìa và khắc khoải đợi chờ. Nhìn người ta hối hả sắm Tết, đi chơi Xuân, ba chị em chúng tôi không dám ra đường vì sợ cảm giác lạc lõng, bơ vơ giữa dòng người nhộn nhịp, sợ không giữ được nước mắt khi nhìn bao gia đình hạnh phúc. Chúng tôi ở miết trong nhà, mỗi sáng thắp nhang cầu nguyện cho cha mẹ mạnh khỏe, sớm được trở về, cầu nguyện pháp luật sớm tìm ra sự thật...

Tôi lại viết tiếp những lá thư kêu oan, hy vọng sự thật và công lý sẽ chiến thắng để gia đình chúng tôi sớm có ngày đoàn tụ. Niềm hy vọng ấy giúp chúng tôi cố gắng đứng dậy và đợi chờ”.

 
***
 
Để nuôi dạy những đứa con biết hiếu thảo, biết lý lẽ và giàu nghị lực sống như thế phải là những người làm cha mẹ mẫu mực. Vậy nên, tôi vẫn luôn tin rằng cha mẹ em  không phải là những kẻ giết người, hơn nữa, lại giết chính mẹ ruột của mình.
 

Luật sư Trương Đình Tùng, Đoàn Luật sư TPHCM:

Phải đình chỉ vụ án
 
Theo tôi, vụ án này không thể phục hồi điều tra lại được vì một số vấn đề có liên quan như cuống bưởi (do nhân chứng khai hái trộm), gốc chuối (được cho làm đòn lăn để đẩy thuyền) và con thuyền không thể phục hồi. Giả sử có đủ điều kiện để điều tra lại thì hồ sơ vẫn chứng minh rằng lời khai của nhân chứng tự mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với cáo trạng (cũng có nghĩa lời khai đó hoàn toàn sai sự thật). Kết quả giám định pháp y cho rằng nạn nhân chết do ngạt nước, cáo trạng lại cho là bị bóp cổ trong khi cơ thể nạn nhân không có dấu vết ở cổ cũng không có dấu vết ở bụng (do bị dùng dây trói ngang bụng buộc đá để phi tang như cáo trạng kết luận)...
 

Nói tóm lại, vụ án này nhất định phải đình chỉ vì không có chứng cứ để thành lập tội danh. Hy vọng các cơ quan giám sát như Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia vào cuộc giám sát cùng với Bộ Công an và VKSND Tối cao để sự việc sớm kết thúc. Đây không chỉ là số phận pháp lý của 2 bị can Quyên - Tám mà còn là hạnh phúc, tương lai của 3 người con vô tội của họ.  

 
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo