xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chiến binh cầm tinh con cọp

Dương Quang

Đó chính là đại tá Phạm Hùng Chiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15B) - Bộ Công an, khắc tinh của tội phạm kinh tế.

Ông sinh năm Canh Dần, tuổi con cọp nhưng trông hiền lành. Ông nói rằng mình chỉ là một chiến binh thầm lặng.
 
img
Đại tá Phạm Hùng Chiến
 
Ba năm ra vào trụ sở Tổng cục Cảnh sát phía Nam, đã nhiều lần tôi định viết về đại tá Phạm Hùng Chiến, nhưng ông đều “lắc”, bởi theo ông, còn nhiều đồng nghiệp khác xứng đáng biểu dương hơn. Hôm vụ án điện kế điện tử kết thúc điều tra giai đoạn I thành công, ngồi với ông sau giờ làm việc, tôi lại đề nghị... Lần này bỗng dưng ông “ừ”.
 
Miễn nhiễm “viên đạn bọc đường”

Nhiều người ở Tổng cục Cảnh sát nói rằng ông Tư Chiến có quá khứ lừng lẫy ít ai bằng. Còn ông, ông chỉ tóm tắt lý lịch trích ngang của mình khá đơn giản: Sinh năm 1950, quê Bến Tre, 15 tuổi vào bộ đội, trở thành cán bộ an ninh miền Trung Nam Bộ (Khu 8) từ năm 1966, sau ngày giải phóng vào công tác ngành công an. Năm 1989 nhận chức Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang. Đúng 10 năm sau, cuối năm 1999, ông được Bộ Công an rút lên TPHCM đảm trách chức vụ Phó Cục trưởng C15B đến nay.

“Mình làm Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang là nhờ... vợ! Hồi kháng chiến, lội ở An Giang suốt, rồi bị bà ấy trói chân” - đại tá Phạm Hùng Chiến kể. Quê vợ ông (bà Nguyễn Thị Minh Phượng, đang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương phía Nam) ở Tịnh Biên - An Giang, một địa phương giáp giới Campuchia, là điểm nóng của nạn buôn lậu. Chính thành tích triệt phá các vụ án buôn lậu qua biên giới của ông đã khiến lãnh đạo Bộ Công an chú ý và đề bạt, rút lên bộ. Năm 2000, thời điểm đánh dấu Luật Doanh nghiệp có hiệu lực với sự ra đời nhanh chóng của hàng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân, lúc đó, trong ngành công an còn ít người biết đến cái tên “Tư Chiến” nhưng giới tội phạm kinh tế đã dè chừng ông.

Vụ án nặng ký đầu tiên mà ông tiếp nhận điều tra là vụ Trần Văn Giao - Giám đốc Công ty Đông Phương - thực hiện trên 10 dự án ảo, lừa hơn 200 người để thu bạc tỉ. Không chỉ đối phó những mưu chước độc địa của “vua lừa” này, C15B còn chịu nhiều áp lực từ các cơ quan quản lý Nhà nước tại TPHCM, những cá nhân và đơn vị đã buông lỏng quản lý, để một người... mắc bệnh hoang tưởng như Giao dễ dàng qua mặt.

Sức ép trước nhất là những “viên đạn bọc đường”. Hồi ấy, một nhóm trinh sát kinh tế được tăng cường từ Hà Nội vào TPHCM để phối hợp điều tra. Sau 3 tháng thu thập chứng cứ, một thùng tài liệu lớn được chuyển ra Bắc. Ngay trong ngày hôm sau, một người bà con với Trần Văn Giao đã bay ra Hà Nội và thẳng thắn đặt vấn đề: “Xin mấy anh dừng lại ở đây, gia đình chúng tôi xin gửi 35.000 USD để mấy anh xài đỡ”. Không chỉ là những cộng sự, bản thân ông ở trong Nam cũng có người liên hệ để "chạy thuốc" nhưng ông và đồng đội đã miễn nhiễm với những “viên đạn bọc đường” và Trần Văn Giao sau này bị tuyên án chung thân.
 
Nói về vụ ấy, đại tá Phạm Hùng Chiến khiêm tốn: “Mình có những đồng nghiệp tốt, nhờ đó mà noi theo”.
Vụ tầm cỡ thứ hai mà ông trực tiếp chỉ đạo phá án là vụ buôn lậu xăng dầu do Hùng “xì-tẹc” (Trần Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Phát - Tiền Giang) cầm đầu. Ông kể, tội phạm kinh tế luôn gắn liền với chức vụ, thân thế và tiền bạc. Hùng “xì-tẹc” có đủ 3 điều kiện trên, trở thành cản ngại lớn cho C15B. Bằng kinh nghiệm của hàng chục năm làm án kinh tế ở An Giang, ông đã nhiều lần từ chối “thư tay” của người có chức vụ, phá thành công vụ án này, đưa Hùng “xì-tẹc” và nhiều đối tượng cộm cán khác ra tòa.
 
Rồi đến vụ án buôn lậu điện thoại di động Đông Nam ông chỉ đạo phá vào đầu năm 2002, cũng phải đối diện với nhiều thử thách khắc nghiệt. Sau khi nhận báo cáo đầy đủ của lực lượng trinh sát, ban đầu ông định cho ra quân phá án ngay trong ngày 1-1-2002 để tạo bất ngờ. Lúc đó, nguồn tin trinh sát báo về cho hay trong ngày Tết Dương lịch này, đa số nhân viên Đông Nam nghỉ lễ. Trận đánh được quyết định dời lại một ngày, trùm buôn lậu Nguyễn Gia Thiều và toàn bộ nhân viên hết đường binh, số liệu không kịp phi tang, đành sa lưới.
 
Chưa dừng lại ở đó, có người trực tiếp gặp ông, bảo rằng “anh muốn gì bọn em cũng chịu”. Khi người của bên kia chiến tuyến mới mở lời, chưa kịp chung chi thì ông đã ngăn cản. “Vụ ấy mình và anh em không cứng thì bọn tội phạm coi thường, người dân không phục. Mình ngăn chặn trước cũng là để cho họ khỏi... phạm tội” - đại tá Phạm Hùng Chiến tâm sự.
Vẻ anh hùng giữa đời thường

Vụ án Trần Văn Giao đã khép lại nhiều năm rồi nhưng trong ông bây giờ vẫn chưa thôi trăn trở. Vì sao một Trần Văn Giao trẻ tuổi, nhân thân mờ ám, có vấn đề về tâm thần... không chỉ lừa được người đẹp mà nhiều cán bộ, cơ quan quản lý tầm cỡ về đất đai, quy hoạch và đầu tư của TPHCM phải mắc lỡm? Có phải đồng tiền đã xóa nhòa ranh giới giữa cái thiện với cái ác trong họ, làm băng hoại xã hội. Câu hỏi ấy, ông và đồng nghiệp đi tìm lời giải đáp trong suốt hơn 5 năm qua. Án chồng án, tưởng như ông đã trở nên vô cảm nhưng thực tế không phải như vậy.

Trước khi vụ án điện kế điện tử nổ ra, trả lời phỏng vấn Báo Pháp Luật TPHCM, một phó giám đốc Công an TPHCM nói thật tình rằng ông ta và ông Sáu Hoàng (tức ông Lê Minh Hoàng, nguyên giám đốc Công ty Điện lực TPHCM) là chỗ gần gũi, đi họp Quốc hội ăn chung bàn, ở chung nhà tập thể..., nên e rằng việc thụ lý điều tra sẽ gặp trở ngại. Đọc bài báo ấy, ông Tư Chiến trầm ngâm, rồi nói một cách chia sẻ với cánh phóng viên rằng: “Anh em gặp khó thì mình phải gánh thôi. Khó khăn thế nào, C15 quyết làm tới cùng bởi người dân và Nhà nước đang chịu thiệt hại bạc tỉ”.

Cuối tháng 8-2005, C15B khởi tố vụ án điện kế điện tử và bắt tạm giam 7 bị can là cán bộ Nhà nước. Dư luận lúc đó vẫn còn băn khoăn, bởi ông Lê Minh Hoàng, người chịu trách nhiệm cao nhất, vẫn còn ngoài vòng pháp luật. Đau đớn lắm, nhưng phải khởi tố - bắt giam thôi, vì không còn cách nào khác vì sai phạm quá nghiêm trọng và rõ ràng. Một điều tra viên kể lại rằng hôm những cộng sự cấp dưới trình lên đại tá Phạm Hùng Chiến đề nghị khởi tố bị can Lê Minh Hoàng, ông trầm ngâm rất lâu. Xót lắm, nhưng không còn lựa chọn nào khác.

Lúc nguyên giám đốc Công ty Điện lực bị áp giải khỏi cư xá Điện Lực, từ dưới cầu thang, người thân của ông khóc thành tiếng, nức nở: “Anh Sáu ơi...!”. Ai nghe cũng nẫu ruột. Nghe cộng sự kể lại chi tiết ấy, ông Tư Chiến lặng đi hồi lâu, vẻ lạnh lùng thường ngày không che giấu hết được tình người, sự cảm thông trong ông. “Mình sẽ vào trại giam thăm ông Hoàng”. Ông hứa và làm thật.

Là “tư lệnh” phá án kinh tế, có 3 cái đáng sợ nhất, đó là cám dỗ vật chất; tình riêng và chính bản thân mình. Ông Tư Chiến bộc bạch rằng có nhiều trường hợp, quan-hệ-tình-người suýt lấn át sự thật và công lý nhưng đã kịp dừng lại, còn cám dỗ vật chất chưa hề thắng được ông.

“Nếu không “cứng” thì nay ông đã có thể... giàu từ bao đời rồi” - tôi nói đùa. Đùa mà thật, bởi ông hiện vẫn đang ở ngoại ô Bình Chánh, hằng ngày cưỡi xe máy đi về và không quên... đón vợ mỗi chiều. Con trai út đang học đại học, hai con gái đầu ông đã có gia đình và ở chung với ba mẹ.
 
Nhìn cảnh ông mỗi chiều về nhà, vui vầy bên hai đứa cháu ngoại tuổi mới lên ba, rất đời thường, ít có ai biết rằng ông đang là khắc tinh của bọn tội phạm kinh tế và chức vụ ở phía Nam.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo