xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện làm máy bay của anh Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải

Khi đến xã Suối Dây, nghe câu chuyện của những nhà chế tạo, chúng tôi biết rằng đây không phải chuyện đùa, không phải một trò chơi ngông của một anh “hai lúa” liều mạng...

Khát vọng

Xưởng hàn tiện của anh Trần Quốc Hải rất bề bộn với những máy khoan, máy tiện, phay, những mâm bánh xe, trục xe lăn lóc; trước cửa còn có hai chiếc rơmooc đang chờ sửa chữa… Anh Hải bảo mấy hôm trước xưởng của anh còn chật chội, bừa bãi hơn nữa vì lúc đó còn có cả chiếc máy bay, cả những phụ tùng, nguyên liệu làm máy bay.

Bằng giọng rất tự tin, anh kể cho chúng tôi nghe về những ngày còn “bé xíu”, khi nhà anh nằm bên cạnh một căn cứ quân sự Mỹ ở xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu, Tây Ninh). “Ngày nào cũng thấy mấy lượt máy bay trực thăng lên xuống, tôi cứ thắc mắc hoài là tại sao chỉ có Mỹ mới có máy bay? Người lớn trả lời: người VN làm gì đủ trình độ làm máy bay mà đòi có”.

Hải nhớ hoài câu trả lời ấy và “càng lớn thì lại càng không bằng lòng. Sau này đi học, tôi biết nước VN có lịch sử 4.000 năm, còn nước Mỹ thì chỉ có 300”. Hải trở thành sinh viên Trường ĐH Thể dục thể thao, chẳng dính dáng gì tới máy móc nhưng anh vẫn âm thầm tích cóp từng đồng để tìm mua tài liệu về máy bay. Tự học về máy móc trong xưởng của gia đình từ nhỏ, sau này lại theo học thêm lớp thợ tiện, Hải mở xưởng hàn tiện và chuyên sửa chữa máy nông nghiệp cho các nông dân xung quanh. Giấc mơ chế tạo được máy bay cứ lớn dần.

Anh Lê Văn Danh thì lại là một công an chuyển ngành về làm rẫy. Ruộng đất nhiều nên anh trở thành khách quen của xưởng hàn tiện Quốc Hải. Một lần ngồi chờ sửa máy, anh than thở: “Phun thuốc sâu bằng tay, bằng chân kiểu này, mình đi tới nơi thì con sâu nó đã ăn hết ruộng rồi; nếu có cháy thì mía cũng cháy trước khi mình kéo nước tới. Giá có máy bay như trong phim thì mới khá nổi…”.

Câu nói ấy lọt vào đầu óc Trần Quốc Hải như một ánh chớp. Anh vội kể cho anh Danh giấc mơ của mình, mang đủ thứ tài liệu ra để chứng minh rằng việc ấy không phải viển vông. Đống giấy tờ ấy hôm nay anh cũng cho chúng tôi xem, có những tập sách khoa học dành cho thiếu nhi viết về lịch sử ngành hàng không, có cả những tài liệu của nước ngoài được photo từ sách, in từ Internet.

Thực hiện

Thế là đã có hai người cùng quyết tâm, Hải rủ thêm Du - cậu em trai út đang theo học khoa xây dựng Trường ĐH Mở bán công. Mấy anh em cùng nhau đi từ viện bảo tàng này sang viện bảo tàng khác, từ Biên Hòa cho tới Cà Mau để… xem máy bay.

Càng đi càng thấy việc chế tạo máy bay trực thăng là nằm trong tầm tay của mình. Danh, Hải bàn nhau rồi cùng về bảo với vợ: “Tôi không rượu chè, không chơi bời chi cả. Nhưng bà phải để cho tôi thực hiện ước mơ của tôi”. Từ đó, tất cả thu nhập của cơ sở hàn tiện của Hải, ruộng rẫy của Danh đều được dốc vào việc làm máy bay.

Những cái khung đầu tiên được làm bằng thép ống, làm đi làm lại bốn năm lần mới đạt được các thông số kỹ thuật “như trong tài liệu hướng dẫn” để ra hình ra vóc cái máy bay kích thước 8,7m x 1,2m. Hải mày mò cải tiến dung tích xilanh của chiếc máy xe Zil để nâng công suất từ 150 lên 300 mã lực.

Các chợ bán đồ điện, đồ sắt ở Tây Ninh, TPHCM các anh đều đi mòn chân để tìm mua vật liệu. Sau mấy lần bị hư hỏng, hai cánh quạt máy bay đã tạm hoàn chỉnh bằng thép, nhôm, nhựa tổng hợp, dài 4,5m, rộng 0,3m. Bánh xe (hai trước, một sau) làm bằng bánh xe hơi. Khoang lái có đầy đủ các cần lái, đồng hồ vận tốc, đồng hồ độ cao, báo xăng…

Cả ba người cùng tỏ ra rất xúc động khi kể về cái giây phút mà chiếc khung máy bay (khi ấy chưa làm vỏ) nhấc lên khỏi mặt đất. Đó là lần chạy máy thử nghiệm thứ ba, người ngồi trên khoang lái là anh Danh; Hải và Du đứng dưới theo dõi; rất nhiều người dân xã Suối Ngô, Suối Dây tụ tập đứng xem, cười nói: “Bay được, chở tụi tui đi uống cà phê nghe”.

Sau khi chạy máy một lát, Hải ra hiệu cho Danh kéo cần thay đổi góc tấn của cánh lái gió. Dù đã dự tính trước là “lần này chắc được” nhưng khi thấy cái máy bay nhấc mình lên khỏi mặt đất, kéo căng dây neo anh vẫn “nghe thắt tim”. Làm lại đến lần thứ hai thì mục tiêu “nhấc lên” của lần thử nghiệm ấy đã thành công. Các anh lại cho máy bay lên rơmooc kéo về, tiếp tục.

“Lần này chúng tôi làm vỏ, lắp kính, sơn phết cho nó ra hình thù máy bay đàng hoàng, còn chuẩn bị đặt tên nữa. Dự định rằng trong lần thử nghiệm này, máy bay sẽ được cho bay tới, bay lui…”. Nhưng chiếc máy bay vừa được kéo ra khỏi xưởng một đoạn thì bị giữ lại.

Số phận chiếc máy bay?

Chúng tôi đến Ban chỉ huy quân sự huyện Tân Châu. Vừa bước qua cổng bảo vệ, chúng tôi đã nhìn thấy chiếc máy bay trực thăng đang nằm trong sân của huyện đội. Chiếc trực thăng được đặt trên một chiếc rơmooc, và chiếc rơmooc này được nối với một  chiếc máy cày. Xung quanh chiếc máy bay có giăng dây, cùng một tấm bảng có dòng chữ: “Không phận sự cấm đến gần 10m”.

Trao đổi cùng chúng tôi, trung tá Lê Văn Khánh, chỉ huy phó huyện đội, cho biết: “Vào khoảng 20 giờ ngày 3-2-2004, nhận được tin báo của dân quân xã Suối Ngô về việc có một nhóm người đang dùng máy cày có xe bánh thớt để vận chuyển một chiếc trực thăng, huyện đội đã cử người xuống hiện trường. Sau đó chúng tôi báo cáo về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh và được lệnh đưa chiếc máy bay này về tạm giữ ở trụ sở huyện đội.

Như vậy chiếc máy bay này bị tạm giữ trên đường vận chuyển chứ không phải tại một vạt rẫy thuộc xã Suối Ngô? Đúng vậy! Trung tá Khánh trả lời tiếp: “Tất cả máy cày kéo rơmooc cùng  trực thăng của mấy ổng làm sao, chúng tôi đưa về đây nguyên xi như  vậy!”.

Vậy hướng xử lý chiếc máy bay này ra sao? Ông Khánh cho biết huyện đội Tân Châu được giao nhiệm vụ tạm giữ, quản lý hiện vật, còn việc tìm hiểu, xác minh, kết luận là của cơ quan cấp trên.

Anh Danh, anh Hải cho biết từ cách đây năm năm, khi ý tưởng còn đang giai đoạn thăm dò, các anh đã lên Ban Khoa học - môi trường của tỉnh để hỏi việc xin phép. “Nhưng họ bảo: chưa thấy hiện vật thì cấp phép làm sao? Cấp để mấy ông... không làm hả?”. Vậy là về. Vậy là tự làm, nhưng đến nay thì lại bị hỏi giấy phép. Anh Danh, Hải bảo dù số phận chiếc máy bay có ra sao thì việc chế tạo máy bay cũng đã đi vào máu của họ...

Phạm Vũ - Thế Hưng (TTO)

------------------------------------

“Hai Lúa” chế tạo “máy bay trực thăng”(!)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo