Dẫn giải bị cáo Hà Văn Thắm
Sáng 21-9, TAND Hà Nội tiếp tục phiên xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) với phần tranh luận của nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Mở đầu phần trình bày, luật sư Nguyễn Đình Hưng bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn dân sự OceanBank bày tỏ sự cảm thông với phần trình bày của các bị cáo. Là người bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn dân sự, luật sư Hưng cho rằng mình không phải là người đi buộc tội mà chỉ muốn truyền đạt những góc khuất pháp lý để HĐXX suy xét.
Luật sư Hưng cho rằng theo quyết định 663 của NHNN và quyết định 48/2013 của Chính phủ vào giữa năm 2015 với nội dung bao hàm nhất là ngay từ đầu đã xác định mua bắt buộc toàn bộ 100% cổ phần OceanBank với giá 0 đồng và chuyển đổi thành ngân hàng TNHH MTV do nhà nước sở hữu. OceanBank lúc này kế thừa quyền, nghĩa vụ gánh thiệt hại của Ngân hàng dưới thời của ông Hà Văn Thắm. "Do vậy, OceanBank mới hoàn toàn có đủ tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án này"- LS Hưng bày tỏ.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng ngày 21-9 - Ảnh chụp qua màn hình
Về hành vi gây thất thoát hơn 1.500 tỉ đồng mà OceanBank mới (sau khi được mua 0 đồng) đòi các bị cáo bồi thường, Luật sư Hưng cho rằng căn cứ tài liệu điều tra, giai đoạn 2010-2014, tổng số tiền OceanBank cũ chi lãi ngoài cho khách hàng là hơn 1.576 tỉ đồng. Trong đó, tài liệu điều tra tách ra khoản 246 tỉ đồng được OceanBank cũ chi riêng cho Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc OceanBank cũ), phần còn lại 1.330 tỉ đồng do các bị cáo ở đây thực hiện nguồn tiền từ 3 tài khoản để chi.
Theo luật sư Hưng, căn cứ vào quy định của pháp luật thì việc chi, động cơ, mục đích là không đúng, những việc hạch toán giúp rút những khoản tiền này ra là trái pháp luật. Những hạch toán này được cơ quan điều tra chứng minh là hạch toán trái với quy định về chế độ tài chính đối với các tài chính tín dụng.
Dẫn chứng cho việc này, theo luật sư Hưng, tài khoản 3612 là tài khoản sử dụng tạm ứng để chi các khoản sử dụng trong nghiệp vụ nội bộ chứ không phải để chi lãi ngoài cho khách hàng. Các khoản hoàn ứng trong số 925 tỉ đồng là được lấy từ nguồn tiền khác, do đó các khoản này đã chi sai mục đích và sau đó lại hoàn ứng từ những nguồn tiền sai.
Ngoài ra, số tiền chi từ tài khoản 801 không có hoá đơn chứng từ hợp lý trái với quy định NĐ146 và Thông tư 12 của Bộ tài chính. Theo đó, tài chính tín dụng không được hạch toán vào chi phí những khoản chi không liên quan đến hoạt động kinh doanh, các khoản chi lại không có chứng từ hợp lý.
Về số tiền 1.500 tỉ đồng mà OceanBank cũ bị quy buộc thất thoát, luật sư Hưng phân tách các khoản tiền cụ thể rồi tính toán thực tế con số này chỉ còn 1.275 tỉ đồng. Số tiền này được xác định thiệt hại này xảy ra trước khi OceanBank bị mua 0 đồng.
Tiếp đó, luật sư Nguyễn Thị Bắc, đại diện dân sự cho OceanBank, cũng nhất trí với ý kiến của VKS về việc bị cáo Hứa Thị Phấn hưởng lợi 500 tỉ đồng và phải hoàn trả khoản tiền này cho OceanBank, kể cả tiền lãi.
Theo đó, căn cứ vào tài liệu điều tra, sau khi số tiền 500 tỉ đồng được giải ngân vào tài khoản của Trung Dung rồi chuyển sang tài khoản của 3 cá nhân và Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam). Sau đó, bị cáo Danh lấy số tiền trên cùng với tiền của mình đã nộp 593 tỉ đồng vào tài khoản của 5 cá nhân nhóm bị cáo Phấn…
Bình luận (0)