Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn được dẫn giải đến toà
Chiều ngày 1-9, TAND Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ đại án tại Ngân hàng (NH) TMCP Đại Dương (OceanBank).
Trả lời câu hỏi của HĐXX, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết NHNN đã thực hiện đúng với chức năng giám sát. Cụ thể, NHNN đã tổ chức thanh tra OceanBank và đưa ra 3 kết luận của thanh tra vào các năm 2012, 2014, 2015.
Theo đại diện NHNN, kết luận thanh tra (KLTT) đã nêu rõ những sai phạm của OceanBank yêu cầu ngân hàng thực hiện khắc phục, chỉnh sửa theo kết luận thanh tra. Ngoài ra, qua theo dõi NHNN phát hiện OceanBank thực hiện không nghiêm túc và có biểu hiện thanh toán tiền lòng vòng và có dấu hiệu nghiêm trọng. Do đó, NHNN đã yêu cầu OceanBank cung cấp chứng từ, văn bản để chứng minh việc khắc phục sai phạm.
Bên cạnh đó, năm 2013, NHNN đã gửi phương án cơ cấu lại OceanBank giai đoạn 2013 – 2015, yêu cầu OceanBank chỉnh sửa bổ sung và khắc phục nội dung yếu kém còn tồn tại, đề nghị NH gửi kết quả khắc phục về NHNN. Đồng thời, không xem xét mở rộng chi nhánh, NH đại diện, mở các công ty con, liên kết…
Theo KLTT năm 2014, vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỉ đồng với 16 pháp nhân và hơn 1.000 cổ đông cá nhân; Tổng tài sản đạt khoảng 60 tỉ đồng; Lỗ luỹ kế hơn 10 nghìn tỉ đồng (chủ yếu là do tăng trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu); Nợ xấu gần 15.000 tỉ đồng (chiếm 49,84% tổng dư nợ) do 27 hợp đồng đầu tư uỷ thác chuyển nợ xấu.
Sau đó, Thanh tra NHNN đã yêu cầu OceanBank trích lập dự phòng rủi ro, thoái thu,… Lợi nhuận sau thuế sau thanh tra giảm từ 34,5 tỉ đồng xuống âm 10,794 tỉ đồng (-10,794 tỉ đồng).
Năm 2015, NHNN đã quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng về cơ sở pháp lý chỉ thay đổi quyền chủ sở hữu, còn những quyền lợi của các khách hàng đều được giữ nguyên.
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết chủ trưởng ban đầu là thành lập NH Hồng Việt riêng cho ngành dầu khí, sau đó Thủ tướng Chính phủ cho phép PVN đã được cho phép góp vốn vào OceanBank với tỉ lệ vốn góp là 20% vốn cổ phần.
Năm 2008, OceanBank tăng vốn từ 1.000 lên 2.000 tỉ đồng, Thủ tướng đã cho phép góp 400 tỉ đồng. Sau đó, OceanBank tiếp tục tăng vốn lên 3.500 tỉ đồng, PVN được góp thêm 300 tỉ đồng luôn giữ tỷ lệ góp vốn 20%.
Về hiệu quả sử dụng vốn góp tại OceanBank, đại diện PVN cho hay từ thời điểm góp vốn 2009 - 2013, theo báo cáo tài chính kiểm toán thì OceanBank hoạt động hiệu quả, 4 năm liền có 244 tỉ đồng cổ tức, không có năm nào không có lợi nhuận đứng trên góc độ hoạt động chia cổ tức.
Về việc vi phạm trong việc góp vốn lần 3 vào OceanBank, đại diện PVN cho biết đây là Tập đoàn thực hiện theo sự đồng ý của lần góp vốn từ trước (2009) mà không để ý những quy định khác nên báo cáo HĐXX xem xét làm rõ.
Hà Văn Thắm trả lời HĐXX - Ảnh chụp màn hình
Khi HĐXX xét hỏi bị cáo Hà Văn Thắm về việc có nhận được công văn nhắc nhở của NHNN hay không? Bị cáo Thắm cho biết OceanBank không nhận được nhắc nhở của NHNN về việc chi lãi ngoài.
Năm 2012, đoàn Thanh tra NHNN Trung ương làm việc OceanBank có 3.000 tỉ đồng uỷ thác đầu tư, thanh tra có ý kiến và ông đã bị triệu tập lên NHNN. Sau khi trình bày thì Thống đốc kết luận là không sai phạm nhưng có văn bản chỉ đạo chuyển ủy thác đầu tư sang tín dụng nên không đạt chuẩn như bình thường được.
Đến năm 2014, Thanh tra chuyên ngành Hà Nội thực hiện thanh tra các khoản uỷ thác đầu tư thì họ đã không hiểu rõ vấn đề đó nên toàn bộ khoản này chuyển thành nhóm 5. Bị cáo Thắm cũng cho biết trong quá trình thanh tra, khi làm việc có nhiều quan điểm không đồng thuận về việc khoản vay này là xấu hay không xấu.
Đối với khoản nợ xấu 14.000 tỉ đồng thì OceanBank đã thu được 8.000 tỉ đồng, ông Thắm là người trực tiếp lập danh sách, hồ sơ về khoản này và đưa cho Phó Thống đốc NHNN. Ngày 13-10-2014, Phó Thống đốc chỉ đạo triệu tập, ông Thắm đã trình bày rõ việc khách hàng đã tất toán quá nửa khoản vay. Tuy nhiên, phía Thanh tra NHNN cho rằng việc kết luận thanh tra ra tại ngày 31-3-2014 trước khi khoản vay được xử lý nên kết luận không hề sai.
Tới tháng 3-2016, OceanBank còn khoảng 4.900 tỉ đồng nợ xấu, trong đó có khoản nợ Trung Dung là 500 tỉ đồng. Theo giám định của NHNN mà bị cáo Thắm không đồng ý cho lắm thì số tiền thu hồi được là 134 tỉ đồng.
Theo bị cáo Hà Văn Thắm, số nợ trên có khả năng thu được quá nửa. Do đó OceanBank không bị âm vốn chủ sở hữu, không xấu như trong kết luận Thanh tra NHNN
Trước đó, sáng ngày 1-9, TAND Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ đại án tại Ngân hàng (NH) TMCP Đại Dương (OceanBank).
Theo cáo trạng, với việc chi lãi ngoài nhằm níu chân khách hàng, Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) đã chỉ đạo cấp dưới dùng 1.600 tỉ đồng để chăm sóc các khách hàng lớn, doanh nghiệp, cá nhân… gây thiệt hại cho OceanBank. Các bị cáo giúp sức đắc lực cho Hà Văn Thắm phải liên đới chịu trách nhiệm về những khoản tiền liên quan.
Trước câu hỏi của HĐXX, bà Trần Thị Thanh Hương, được ủy quyền của Tổng công ty phân bón và Hóa chất dầu khí, cho biết từ 2008-2015, các đơn vị có quan hệ với OceanBank thông qua các khoản tiền gửi. "Sau đó, đơn vị đã nhận được đơn của cơ quan điều tra và đã trả lời đầy đủ là không có cá nhân nào của đơn vị nhận lãi ngoài đúng với hợp đồng. Trong thời điểm này, đơn vị trên cũng không có quan hệ với công ty BSC"- bà Hương khẳng định.
Người đại diện của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Quỹ Chung một tấm lòng và Đảng ủy Tổng Công ty Dầu Việt Nam trước tòa cho biết họ có quan hệ tín dụng với OceanBank. Thời điểm cao nhất gửi tiền (năm 2013) vào khoảng 1.500 tỉ đồng. Ngoài lãi suất theo hợp đồng, người đại diện cho rằng không nhận lãi ngoài hợp đồng.
Trong phần trả lời, người đại diện Công ty Dầu khí miền Trung cho biết có chị Trần Thị Tâm nhận được khoản tiền vào tài khoản cá nhân của OceanBank. Sau khi nhận được thông báo, chị Tâm đã hoàn trả tài khoản của cơ quan điều tra số tiền là 17,2 triệu đồng. "Đây là tư cách cá nhân chứ không phải là của Dầu khí miền Trung"- người đại diện nói
Bị cáo Nguyễn Minh Thu khai trước HĐXX - Ảnh chụp qua màn hình
Đại diện Công ty liên danh Việt-Xô Petro, cũng cho biết cá nhân của công ty này không ai nhận lãi ngoài của ngân hàng Đại Dương.
Tuy nhiên trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) khai đã đưa tiền chi lãi ngoài cho lãnh đạo Việt-Xô Petro; trong quá trình làm việc đã đưa cho Kế toán trưởng của Việt-Xô Petro Võ Quang Huy và Tổng Giám Đốc Việt-Xô Petro Nguyễn Hữu Tuyến. Bị cáo đưa khoảng 10 lần, mỗi lần đưa 1, 2 chục ngàn USD hoặc 200-300 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trước toà
Bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) khai rất nhiều lần đến Việt-Xô Petro để đưa lãi ngoài. Trong thời gian từ tháng 1-2011 đến tháng 6-2012 khoảng 2, 3 lần. Từ tháng 7-2012 đến tháng 4-2014 giao tiền 3 lần, theo định kỳ như vậy. Số tiền đưa dựa trên số dư tài khoản theo bị cáo Hà Văn Thắm thỏa thuận chi và tỉ lệ. Theo đó, bị cáo Thu đưa cho kế toán trưởng 70% số tiền nhận và 30% cho tổng giám đốc, thỏa thuận giữa cá nhân không có giấy tờ hợp đồng cụ thể.
Theo bị cáo Thu, tổng số tiền Việt-Xô Petro gửi cho ngân hàng Đại dương thời điểm cao nhất vào năm 2011 lên tới mấy trăm triệu USD. Đối với hợp đồng không thời hạn do Hà Văn Thắm phê duyệt, khách hàng nhận lãi ngoài là 0,1 %. Cuối năm 2012, tỉ lệ này lên 0,15 %. Tiền đô thì thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 0,05 % - 0,02 % cao nhất khoản hơn 100 triệu đô.
Bị cáo Thu cho biết, mỗi lần đi chi lãi ngoài cho lãnh đạo Việt-Xô Petro, hầu hết bị cáo đi cùng giám đốc chi nhánh, khi tới nơi đưa trực tiếp cho tổng giám đốc và kế toán trưởng.
Tuy nhiên, đại diện của Việt-Xô Petro vẫn khẳng định không nhận tiền lãi ngoài của Ngân hàng Đại dương, kể cả ông Nguyễn Hữu Tuyến đã nghỉ hưu.
Nguyễn Thị Kiều Liên, cựu giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu của OceanBank, cho biết với chức danh của mình thì đều trực tiếp liên hệ tới khách hàng khi lãnh đạo ngân hàng xuống làm việc. Tuy nhiên, bị cáo không biết lãnh đạo ngân hàng đến để làm việc với nội dung gì.
Bình luận (0)