Theo kế hoạch, hôm nay (5-12), Hội đồng Thi hành án tỉnh Long An sẽ thi hành án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải (29 tuổi, ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, bị án trong vụ giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi). Tuy nhiên, chiều 4-12, ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An, Chủ tịch Hội đồng Thi hành án hình sự tỉnh Long An, đã có bút phê đồng ý hoãn thi hành án đối với tử tù Hồ Duy Hải.
Đọc bút phê mà khóc ngất
Sáng 4-12, khi chúng tôi biết tin vào ngày 5-12, Hội đồng Thi hành án tỉnh Long An sẽ đưa tử tù Hồ Duy Hải ra tiêm thuốc nên điện thoại báo cho bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hải), bà hết sức bàng hoàng vì gia đình không nhận được thông báo gì về thông tin này. Bà Loan cho biết đang trên đường từ Long An đi TP HCM để đáp máy bay ra Hà Nội đệ đơn kêu oan cho Hải.
Nghe chúng tôi báo, chị Hồ Thị Thu Thủy (em Hải) và bà Nguyễn Thị Rưởi (dì Hải) viết ngay một lá đơn đề nghị hoãn thi hành án đối với Hải để gia đình có thời gian đi kêu oan.
Sau khi gửi đơn, gần chục người thân của Hải đã đến trụ sở TAND tỉnh Long An chờ đợi. Hơn 12 giờ trưa, lá đơn xin hoãn thi hành án đã được Phó Chánh án TAND tỉnh Long An có bút phê chấp thuận. Nghe tin này, bà Loan lập tức hoãn chuyến đi Hà Nội, quay về Long An. Đọc được bút phê hoãn thi hành án tử đối với Hải, bà Loan khóc ngất.
Trời còn thương nó!
Sau một hồi bình tĩnh, bà Loan kể ròng rã 7 năm nay, bà ngược xuôi từ nhà lên TP HCM rồi ra tận Hà Nội để kêu oan cho Hải. Khi xảy ra vụ án và Hải bị công an bắt, bà có niềm tin con mình bị oan vì thời điểm nạn nhân bị giết, Hải đang ở tiệm cầm đồ của chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh, cách hiện trường vụ án 7,5 km.
“Luật sư phát hiện tình tiết từ tiệm cầm đồ của chị Trinh đến hiện trường gây án là 7,5 km nhưng Hải chỉ chạy xe có 4 phút. Từ chứng cứ ngoại phạm này mà cả dòng họ tôi đã đi kêu oan cho Hải” - bà Loan kể.
Bà Loan cho biết kể từ ngày xảy ra vụ án, cả dòng họ ai làm ra tiền có dư đồng nào thì góp vào để làm lộ phí kêu oan cho Hải. Lần đầu, đơn kêu oan bà gửi cho các cơ quan tỉnh Long An nhưng không có kết quả nên bà ra Hà Nội.
Ở Hà Nội, bà đã lội bộ hàng giờ để hỏi thăm trụ sở của TAND Tối cao, VKSND Tối cao để nộp đơn. Không có tiền, bà ngủ ở vỉa hè chứ không dám vào nhà trọ. Rồi các cơ quan trung ương cũng có thư phản hồi cho bà nhưng chỉ là giấy báo tin đã chuyển đơn đến cơ quan chức năng. “Cứ mỗi tháng tôi đều đặn ra bưu điện gửi thư kêu oan cho nó. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại càng tuyệt vọng. Có lúc tôi muốn tự tử cho rồi vì kêu oan cho con mà không ai nghe” - bà Loan nhớ lại.
Bà Loan cho biết tối 3-12, bà trằn trọc cả đêm không ngủ được, chờ trời sáng nhanh để đi Hà Nội. “Sáng sớm, tôi đi rồi thì mới biết ngày mai (5-12), nó vĩnh viễn không còn nhìn thấy mặt tôi. Trời còn thương nó, được hoãn thi hành án thì tôi còn hy vọng pháp luật xử lý cho đúng người, tránh oan sai. Nếu họ đem nó ra tử hình, mai mốt có được minh oan thì cũng đâu còn sống mà mẹ con gặp mặt nhau” - bà Loan nói, nước mắt tuôn trào.
Nhiều uẩn khúc
Hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi là Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân được phát hiện bị sát hại vào rạng sáng 14-1-2008. Qua điều tra, công an đã bắt giữ Hải.
Sau phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, các cấp tòa án đều kết tội Hải giết người, cướp tài sản và tuyên phạt tử hình. Trong suốt quá trình đó, gia đình Hải liên tục gửi đơn kêu oan khắp các cơ quan chức năng, kể cả báo đài.
Luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn Luật sư TP HCM, người bào chữa cho Hải, đã phát hiện hàng loạt vi phạm tố tụng mà án sơ, phúc thẩm đều không xem xét đến. Cụ thể là khi gây án, tại hiện trường khám nghiệm có rất nhiều dấu vân tay để lại. Tuy nhiên, theo kết quả giám định thì các dấu vân tay thu được tại hiện trường không trùng với dấu vân tay của Hải.
Ngoài ra, theo lời khai của các nhân chứng và hồ sơ vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn khi chiếc xe máy Hải đến hiện trường có đến 3 biển số khác nhau. Ngay cả cáo trạng truy tố Hải cũng mâu thuẫn. Cụ thể, cáo trạng kết luận chiếc áo Hải mặc gây án tối 13-1-2008 là màu xanh, trên ngực có hàng chữ màu trắng. Tuy nhiên, lời khai của nhân chứng thì chiếc áo Hải mặc lại màu xám đen hoặc xanh đen có sọc trắng xen kẽ.
Một trong những điều kỳ lạ nhất trong vụ án này là cơ quan tố tụng quy kết Hải dùng 3 loại hung khí là dao, thớt và ghế giết người nhưng tại hiện trường khi khám nghiệm lại không có bất kỳ vật nào có dấu vết phạm tội được thu giữ.
Cụ thể, các dân phòng khai có thấy một con dao nhưng đã bị mất. Sau đó, họ tự đi mua một con dao giống như con dao đã thấy để giao cho cơ quan điều tra làm vật chứng.
Trong biên bản lời khai của nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu, kích thước của con dao đã bị sửa bất hợp pháp. Còn nữa, khi khám nghiệm hiện trường ghi nhận phía trên đầu nạn nhân Hồng “có một cái thớt gỗ” nhưng cái thớt gỗ này đã không được thu giữ. Đến ngày 24-6-2008, CQĐT yêu cầu nhân chứng Hiếu đi mua một cái thớt về đưa vào làm vật chứng.
Theo luật sư Phong, cách đây 2 ngày, ông đã gửi toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng giám đốc thẩm bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Xem xét kỹ trước sinh mạng con người
Ngày 4-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng về việc nhận được đơn của mẹ bị án Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét kỹ lưỡng trước khi tước đoạt sinh mạng một con người.
Cùng ngày, một lãnh đạo Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) - Bộ Công an cho biết đã nhận được yêu cầu tạm dừng thi hành án đối với bị án Hồ Duy Hải.
Trước đó, ngày 3-12, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3, TP HCM của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cử tri Nguyễn Hữu Vạn đã đề nghị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải vì có nhiều điểm nghi ngờ, uẩn khúc. T.Kha
Bình luận (0)