Sau gần 1 tuần xét xử và nghị án, chiều 19-4, TAND TP HCM đưa ra phán quyết phúc thẩm vụ kiện giữa Công ty TNHH Thương mại Đầu tư phát triển Duy Tân (nguyên đơn; viết tắt: Công ty Duy Tân) và Công ty TNHH Thương mại Golden Lotus (bị đơn; viết tắt: Công ty Golden Lotus, kinh doanh spa).
Hồ sơ thể hiện đầu năm 2016, hai doanh nghiệp ký hợp đồng nguyên tắc hợp tác đầu tư trên khu nhà đất rộng 1.600 m2, tại số 27-33 đường Phạm Ngọc Thạch và số 208 Pastuer, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.
Theo thỏa thuận, Công ty Duy Tân góp vốn bằng quyền khai thác mặt bằng. Phía Công ty Golden Lotus xây dựng văn phòng, dịch vụ thương mại phù hợp với mục đích sử dụng đất, điều kiện kinh doanh.
Khi công trình hoạt động, Công ty Duy Tân sẽ nhận 400 triệu đồng/tháng; hưởng lợi nhuận tăng thêm 5% từ năm thứ 3 trở đi.
Thời hạn kết thúc hợp đồng là tháng 7-2021.
Lối vào khu nhà đất rộng 1.600 m2 đang vướng tranh chấp (Ảnh: NLĐO)
Tại đơn khởi kiện, Công Duy Tân cho rằng Công ty Golden Lotus đầu tư kinh doanh spa thay vì thực hiện như thỏa thuận là xây dựng văn phòng, trung tâm thương mại.
Chưa kể, Công ty Golden Lotus tự tiện sửa chữa, xây dựng công trình mới trên khu đất; không trả thêm 5% lợi nhuận như cam kết ban đầu.
Khi hợp đồng hết thời hạn, Công ty Duy Tân đòi lại mặt bằng nhưng đối tác không chấp thuận. Vì vậy, Công ty Duy Tân khởi kiện ra tòa.
TAND quận 3 xử sơ thẩm đã chấp nhận quan điểm khởi kiện, buộc bị đơn trả lại khu nhà đất nói trên.
Bên cạnh đó, bản án sơ thẩm yêu cầu bị đơn thanh toán thêm 1,8 tỉ đồng; cùng khoản tiền sử dụng tài sản trên đất (400 triệu đồng/tháng), kể từ ngày hết hạn hợp đồng cho đến khi bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Không chấp nhận nên bị đơn kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét hủy bản án sơ thẩm.
Xét xử phúc thẩm, TAND TP HCM bác kháng cáo, tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đồng tình với cấp sơ thẩm, HĐXX phúc thẩm nhận định sau khi hợp đồng nguyên tắc hết hạn, nguyên đơn có gửi văn bản yêu cầu bị đơn bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, phía bị đơn không đồng ý. Thừa phát lại có lập vi bằng ghi nhận sự việc.
Về hợp đồng nguyên tắc mà hai bên ký kết, cơ quan xét xử thấy rằng hợp đồng có những điều, khoản mang tính định hướng như một hợp đồng nguyên tắc, vừa có nội dung chi tiết là hợp đồng hợp tác. Hai bên tự nguyện ký hợp đồng hợp tác khai thác, sử dụng mặt bằng.
Hồ sơ vụ kiện có đủ tài liệu chứng minh Công ty Duy Tân hoàn tất thủ tục về đăng ký sở hữu tài sản trên khu đất.
Như vậy, cả nội dung lẫn hình thức hợp đồng phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo giá trị pháp lý.
Từ những lẽ trên, cơ quan xét xử kết luận nguyên đơn có đủ căn cứ yêu cầu bị đơn hoàn trả mặt bằng.
Bình luận (0)